qua; thành thử tôi buộc phải mua vé, để khỏi chịu nỗi sỉ nhục phải ra
về hôm ấy. Sự bất công càng đáng phẫn nộ hơn, vì cái giá duy nhất,
khi tôi nhượng vở kịch cho họ, là quyền vào cửa vĩnh viễn; bởi, mặc
dù đó là quyền của tất cả các tác gia, và tôi có cái quyền này trên hai
danh nghĩa, song tôi không quên quy định rõ rành điều ấy trước mặt
ông Duclos. Quả thật họ có gửi cho tôi tiền thù lao, qua thủ quỹ của
Nhà hát, năm mươi louis mà tôi không yêu cầu; nhưng ngoài việc số
năm mươi louis này thậm chí không bằng được khoản tiền thuộc về tôi
theo thể thức, sự chi trả đó chẳng quan hệ gì đến quyền vào cửa, được
quy định minh bạch và hoàn toàn độc lập với việc trên. Trong cách đối
đãi này có một sự phức tạp vừa bất công vừa thô bạo đến mức công
chúng, khi ấy đang hết sức ác cảm với tôi, cũng không khỏi nhất trí
thấy là chưởng; và có ngưòi hôm trước vừa chửi rủa tôi, thì hôm sau
kêu lên thật to trong sảnh đường rằng thật đáng xấu hổ khi tước đi như
vậy quyền vào cửa của một tác gia rất xứng đáng được quyền ấy, thậm
chí còn có thể đòi gấp đôi
. Thật đúng như câu ngạn ngữ Ý, Ogn’un
ama la giustizia in casa d’aitrui
Về chuyện này tôi chỉ có một bề để quyết định; đó là đòi lại tác
phẩm, bởi người ta tước mất của tôi cái giá đã thỏa thuận. Để thực
hiện việc ấy tôi viết cho ông D’Argenson phụ trách bộ có Nhà hát
Nhạc kịch; tôi kèm theo thư một bản thuyết minh không thể phản bác,
thế mà cũng giống như thư, chẳng được trả lời chẳng có hiệu quả. Sự
im lặng của con người bất công này còn đọng lại trong lòng tôi, và
chẳng góp phần làm tăng niềm quý trọng xưa nay vốn dĩ rất ít ỏi đối
với tính cách cũng như tài năng của ông ta. Người ta đã giữ lại vở kịch
của tôi ở Nhà hát Nhạc kịch như vậy, và tước đoạt của tôi cái giá tôi
đặt ra để nhượng nó. Kẻ yếu làm như vậy với kẻ mạnh, sẽ là trộm
cướp; kẻ mạnh làm như vậy với kẻ yếu, thì chỉ là chiếm đoạt tài sản
của người khác mà thôi.