phục tôi? Chẳng lợi ích nào khác ngoài lợi ích của chính tôi. Con tim
non trẻ của tôi tự nhủ như vậy. Tôi cảm động vì hàm ơn và kính trọng
vị linh mục tốt bụng. Tôi cảm thấy ưu thế của mình; tôi không muốn
đem ưu thế ấy ra làm khổ ông để báo đáp lòng hiếu khách của ông.
Không hề có động cơ giả nhân giả nghĩa trong cách cư xử này; tôi
không hề nghĩ đến cải đạo; và chẳng làm quen nhanh đến thế với ý
tưởng ấy, tôi chỉ xem xét nó với một nỗi ghê sợ hẳn phải gạt nó ra xa
tôi trong thời gian dài; tôi chỉ không muốn làm cho những người vồn
vã với mình nhằm mục đích đó phải tức giận; tôi muốn vun trồng hảo
ý của họ, và để họ có hy vọng thành công, khi tôi ra vẻ được trang bị
kém hơn là thực sự được trang bị. Lỗi của tôi trong chuyện này giống
như sự làm dáng của những người đàn bà trinh thục, đôi khi, để đạt
được mục đích, biết cách, chẳng cho phép một điều gì cũng chẳng hứa
hẹn điều gì, mà làm được cho người ta hy vọng nhiều hơn ý định của
mình.
Lẽ phải, tình thương, lòng yêu mến trật tự, chắc chắn đòi hỏi mọi
người đừng tiếp tay cho sự điên rồ của tôi, mà phải giúp tôi tránh xa
cảnh suy vong tôi đang lao tới, bằng cách gửi tôi về lại gia đình. Đó là
điều mà người nào thực sự đức độ lẽ ra cũng làm hoặc cũng cố gắng
làm. Nhưng mặc dù ông De Pontverre là người tốt bụng, chắc chắn đó
không phải là một người đức độ; trái lại, đó là một người mộ đạo
chẳng biết đức tính nào khác ngoài việc tôn thờ ảnh tượng và tụng
kinh; một kiểu nhà truyền giáo chẳng nghĩ ra được điều gì hay hơn,
cho lợi ích của tín ngưỡng, là viết những bài nhục mạ các mục sư của
Genève. Chẳng hề nghĩ đến chuyện gửi tôi về nhà, ông lợi dụng lòng
ao ước rời xa nhà của tôi, để đặt tôi vào tình trạng không thể trở lại
cho dù tôi có muốn như vậy. Có thể đoán chắc rằng ông mặc cho tôi đi
để chết vì bần cùng, hay để thành một gã vô lại. Đó không phải điều
ông nhìn thấy: ông lại nhìn thấy một linh hồn đoạt được của tà đạo và
trả về cho Giáo hội. Người lương thiện hay kẻ vô lại, cần gì đâu, miễn