thời gian và của các sự vật đã làm hư hỏng bản chất ấy, và bằng cách
so sánh con người xã hội với con người tự nhiên, tôi chỉ ra cho họ thấy
nguồn gốc thực sự những nỗi khốn khổ của họ nằm trong cái mạo
nhận là sự hoàn thiện bản chất. Tâm hồn tôi, phấn khích vì những mặc
tưởng cao thượng ấy, tự nâng lên gần Đấng Linh thiêng, và từ đó mà
nhìn đồng loại đi theo những lầm lạc, những bất hạnh, những tội lỗi,
trên con đường mù lòa của thiên kiến, tôi kêu lên với họ bằng một
giọng yếu ớt mà họ chẳng thể nghe thấy: “Hỡi những kẻ điên cuồng
dại dột không ngừng than phiền về tạo hóa, hãy biết rằng toàn bộ tai
họa của các người là do các người.”
Từ những suy ngẫm trên hình thành Luận về sự bất bình đẳng,
công trình hợp với thị hiếu của Diderot hơn tất cả các văn phẩm khác
của tôi, và những lời khuyên của anh đối với công trình cũng có ích
cho tôi hơn cả
, nhưng ở toàn châu Âu chỉ có ít độc giả hiểu tác phẩm
và trong số này không người nào muốn nói đến nó. Tác phẩm được
viết ra để tranh giải, vậy tôi gửi nó đi, nhưng chắc chắn trước là nó sẽ
không đoạt giải, và biết rõ rằng giải thưởng của các Viện Hàn lâm
chẳng được lập ra cho những văn kiện có tính chất như thế.
Chuyến đi chơi ấy và công việc ấy tốt cho tính tình và cho sức
khỏe của tôi. Đã nhiều năm nay, khổ vì chứng bí tiểu, tôi đã hoàn toàn
phó mình cho các thầy thuốc, họ chẳng làm bệnh nhẹ đi mà làm suy
kiệt sức lực và hủy hoại khí chất của tôi. Từ Saint-Germain trở về, tôi
tự thấy có sức hơn và khỏe ra nhiều. Tôi đi theo hướng này, và, quyết
định khỏi bệnh hoặc là chết không cần thầy thuốc và thuốc thang, tôi
nói lời vĩnh biệt mãi mãi thầy cùng thuốc, rồi bắt đầu sống ngày nào
hay ngày ấy, khi không thể đi được thì ở yên, và vừa có sức là cất
bước. Cách sinh hoạt của Paris giữa những con người tự phụ rất ít hợp
sở thích của tôi; mưu đồ của giới văn nhân, những vụ cãi cọ đáng hổ
thẹn, những cuốn sách thiếu thiện ý, thái độ quyết đoán của họ trong
giới giao du thật khả ố, thật phản cảm đối với tôi; tôi rất ít tìm thấy sự