gần đây; nhưng công chúng, vốn phù phiếm, đã không nhìn ra được
điều ấy. Nếu sau khi công trình này hoàn tất mà tôi vẫn còn sống đủ để
lại bắt tay vào một công trình khác, tôi định đưa ra tiếp theo Émile một
thí dụ hết sức dễ thương và hết sức nổi bật về chính phương châm
trên, để độc giả của tôi buộc phải chú ý. Nhưng với một lữ khách thì
suy nghĩ thế là đủ rồi; đã đến lúc đi tiếp con đường của mình.
Hành trình của tôi dễ chịu hơn sự thể mà lẽ ra tôi phải dự liệu, và
bác dân quê của tôi không thật thô lỗ gắt gỏng như cái vẻ của bác. Đó
là một người tuổi trung niên, tóc đen ngả hoa râm túm lại thả sau lưng,
dáng dấp cận vệ binh, giọng nói to, tính khá vui vẻ, đi khỏe, ăn còn
khỏe hơn, và làm đủ thứ nghề, do chẳng thạo một nghề nào. Tôi cho
rằng bác ta đã đề nghị mở tại Annecy một xưởng gì đó. Bà De Warens
không khỏi tin vào kế hoạch ấy, và chính là để cố gắng xin bộ trưởng
chấp thuận kế hoạch mà bác ta thực hiện chuyến đi, được thanh toán
hậu hĩnh, đến Turin. Con người này có cái tài lập mưu chước bằng
cách luôn chen vào đám tu sĩ và tỏ ra sốt sắng phục vụ họ; bác đã học
được ở họ một thứ biệt ngữ sùng tín nào đó mà bác không ngừng sử
dụng, tự phụ là một nhà thuyết giáo lớn.
Bác còn thuộc cả một đoạn Thánh kinh bằng tiếng Latin; và cứ
như thể bác thuộc một nghìn đoạn, vì bác lặp lại nó nghìn lần trong
ngày; vả chăng, hiếm khi thiếu tiền khi biết trong túi người khác có
tiền; tuy nhiên, khôn khéo hơn là trộm cắp, và trong khi tuôn ra bằng
một giọng dụ dỗ những ngôn từ tôn giáo, trông bác giống như ẩn sĩ
Pierre đeo kiếm bên hông tuyên truyền thập tự chinh.
Về bác gái Sabran, thì đó là một người đàn bà khá tốt bụng, bình
lặng ban ngày hơn là ban đêm. Vì tôi luôn ngủ cùng phòng với họ, nên
những vụ mất ngủ ồn ào của bác thường đánh thức tôi, và lẽ ra còn
thức tỉnh tôi nhiều hơn nữa nếu như tôi hiểu được lý do. Nhưng thậm
chí tôi chẳng ngờ chuyện đó, và về mục này thì tôi ngu ngốc thành thử
chỉ riêng tạo hóa lo toàn bộ việc dạy bảo tôi mà thôi.