dung chứa đủ hạng người từ miền Bắc, miền Trung đổ vào kiếm sống.
Tôi mướn một chiếc chiếu nhỏ với cái giá cắt cổ của một tay đầu nậu nào
đó, trải lên một xó xỉnh trong nhà ga, nơi đã được giành chỗ để cho thuê.
Chung quanh tôi, từng hàng chiếu trải dài sắp lớp được những người thuê
ngủ nằm ngồi ngổn ngang. Có người nằm xuống co quắp lại một lát đã
ngáy kho kho vì mệt. Có người ngồi bó gối chong đôi mắt lơ láo nhìn thiên
hạ, không ngủ được vì sợ mất hành lý. Có người đứng lên ngồi xuống vì
chờ đợi một người nào đó chưa thấy đến. Tất cả những cử chỉ, hành động,
ngôn ngữ của con người bỗng chốc đều thể hiện ở nhà ga. Họ chờ đợi để đi
lên những con tàu vô định. Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ của một thi sĩ có lẽ
đang rong chơi trong cuộc đời này:
“ Một đời lận đận, đong rồi đếm
Gối mỏi chồn chân, đứng lại ngồi”.
Bùi Giáng
Tôi tưởng tượng giờ này nhà thơ ấy cũng còn lang thang trên những con
đường vắng trong thành phố, miệng đang đọc lảm nhảm những câu thơ nói
về thân phận chuồn chuồn, châu chấu mà không ai hiểu nổi.
Tôi đang mơ màng bỗng giật mình vì có ai đang vỗ nhẹ vào vai tôi. Một cô
gái, không, có lẽ là một người đàn bà hơn tôi vài tuổi, có gương mặt dễ
nhìn, mái tóc quăn, làn da trắng nhìn tôi cười cười nói:
- Nãy giờ chị đã để ý em nên mới tới làm quen. Em từ miền Trung vào Sài
Gòn tìm việc làm phải không? Chị cũng là dân miền Trung vào đây lập
nghiệp đã lâu nên rất thương dân ngoài mình. Ở ngoài đây phức tạp quá,
chị muốn mời em về nhà chị. Nhà chị ở cũng gần đây …
Mẹ tôi trước lúc tiễn tôi ra đi có dặn, con ra đường phải cẩn thận, đừng tin
người lạ. Dân trong ấy là dân tứ xứ, sống bằng nghề lừa đảo. Người tốt
hiếm lắm.
Nghe mẹ tôi nói vậy nhưng tôi nghĩ mình là con trai, tài sản có mấy bộ
quần áo và một ít tiền, đâu có gì để sợ bị người ta lường gạt. Biết đâu, đây
là một người tốt có thể giúp mình ở nơi xứ lạ.
Tôi trả chiếu, xách cái túi vải theo người đàn bà, đi loanh quanh vào những
con hẻm nhỏ gần nhà ga, về căn gác trọ. Người đàn bà nói tên chị là Xuyến,