Chuyến đi khá vất vả, bằng đủ loại phương tiện, xe lửa, xe đò, xe ôm … Có
đi khỏi thành phố nơi mình đang sống, mới thấy đời sống của dân miền
Trung còn khá vất vả. Những mảnh ruộng cằn cỗi, xơ xác; những mái nhà
lụp sụp tồi tàn; những gương mặt đen đúa, khắc khổ; những dáng người
gầy còm trong bộ quần áo tả tơi, vá víu. Đâu phải chỉ là hậu quả của chiến
tranh, mà còn là hậu qủa của một thời kỳ “quaù độ”, “bao cấp”. Sự lầm lẫn
về cách làm “khoanh vùng kinh tế địa phương” cũng như sự quản lý lỏng
lẻo về con người đã dẫn đến một đời sống cơ cực như vậy. Không biết đến
một lúc nào đó, người dân sẽ trách ai đây? Hay chỉ ngửa mặt kêu trời
không thấu?
Tôi đến một làng quê nghèo, cách vịnh C. chừng hai mươi cây số đường
chim bay. Nơi đây, trong thời chiến, được xem là một vùng xôi đậu, được
sự “chăm sóc” của trung đoàn 30 thuộc sư đoàn Bạch Mã Đại Hàn, bằng
những trận hành quân, càn quét cùng quân đội đồng minh và lính quốc gia.
Điều đó còn ghi dấu trên những ngôi nhà đổ, tường vách lổ chổ vết bom
đạn, những thân dừa cháy xém, cụt đầu, những ánh mắt cảnh giác, nghi ngờ
khi nhìn người lạ.
Tôi hỏi một người đàn ông có vóc dáng gầy nhom tình cờ gặp trên đường;
“Chú ơi! Ở đây có biết nhà bà B. không?”.
Người đàn ông đang vác cuốc dừng lại ven đường, hấp háy đôi mắt nhỏ e
dè nhìn tôi từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu. Một lát, ông ta thận trọng
hỏi:
“Ông là ai? Làm nghề gì? Ở đâu lại? Hỏi nhà bà B. làm chi?”.
Tôi hỏi lại:
“Ông có biết nhà bà B. không?”