Về đến Hải Phòng và Hà Nội, nhân dân đón Chủ tịch một cách vô cùng
nhiệt liệt và thân mến. Nhân dân các thành phố và các làng lân cận đến chờ
đợi hai ba ngay để đón Hồ Chủ tịch.
Suốt đường Hải Phòng – Hà Nội đông nghịt những người. Trước khi đi
Pháp, Hồ Chủ tịch nhận được hàng vạn lá thư khuyên Chủ tịch đừng đi
máy bay. Những bức thư này là của các hạng người đủ các tầng lớp, đủ các
lứa tuổi.
Về đến Hà Nội, Hồ Chủ tịch liền họp chính phủ và Ban thường trực quốc
hội, đặt những tổ chức để thi hành bản tạm ước, đồng thời đề phòng những
sự phản bội của thực dân Pháp. Một kế hoạch xây dựng kinh tế được đặt ra.
Chủ tịch đặt kế hoạch cho một vùng kiểu mẫu. Tất cả mọi việc đều nhằm
mục đích củng cố hoà bình và xây dựng đời sống mới.
Nhưng thình lình thành phố Hải Phòng bị quân đội Pháp tấn công. Đấy là
ngày 20 tháng 11 năm 1946. Ngày hôm sau thực dân Pháp lại tấn công
Lạng Sơn.
Hồ Chủ tịch và tướng Moóc–li–e (Morlière), Tư lệnh quân đội Pháp ở
Bắc bộ, cử những phái đoàn đến Hải Phòng thi hành mệnh lệnh ngừng bắn.
Nhưng quân đội Pháp không ngừng bắn. Hải quân, không quân, lục quân
Pháp đồng thời tàn sát ngót vạn đồng bào ở Hải Phòng.
Đã mấy lần, Chủ tịch gửi những bức điện văn cấp bách cho chính phủ,
quốc hội và nhân dân Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Song chính phủ
Pháp không trả lời những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch
Trái lại chính phủ Pháp gửi thêm viện binh. Nhiều đội quân nhảy dù và
đội quân quân Lê–dương đổ bộ ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Hà Nội.
Tình hình thêm nghiêm trọng.
Nhân dân Hà Nội phải chuẩn bị những phương pháp an toàn. Họ đắp
chướng ngại vật và đào hầm trú ẩn. Nhiều gia đình tản cư.
Hàng ngày, máy bay Pháp thị uy trên không phận Hà Nội, thậm chí lượn
qua cả dinh Hồ Chủ tịch. Binh lính Pháp tăng thêm khiêu khích.