miệng, mặt gầy, da ngăm ngăm đen, khiến ta nghĩ đến sương gió dãi dầu
trong rừng sâu và những nỗi gian khổ của chiến tranh du kích.
Lần mới gặp, tôi có cảm giác Người giống một thầy giáo ở nông thôn.
Tôi bước vào phòng kính cẩn chào. Chủ tịch đứng dậy bắt tay tôi và mời
ngồi trước bàn làm việc. Trước hết, Người hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ
tôi và sau mới nói: "Tôi có thể giúp chú việc gì nào?". Tôi nói rõ mục đích
của tôi. Chủ tịch chú ý nghe. Sau khi tôi nói xong. Người cười và đáp:
"Tiểu sử. Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết
hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị
tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công
việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi… thong thả sẽ nói đến!"
Tôi như chạm phải một bức tường. Nhưng tôi không thất vọng.
Về sau tôi đặt kế hoạch khác:
Phương pháp trực tiếp, nghĩa là nói chuyện thẳng thắn với Hồ Chủ tịch
để có tài liệu, điều ấy đã không thành. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi mới
hiểu là phương pháp ấy không thể không thất bại. Một người như Hồ Chủ
tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao
nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người
được?
Hiện nay, chỉ còn phương pháp gián tiếp, nghĩa là hỏi những người trước
kia, trong một thời gian nào đó, đã trực tiếp hoặc gián tiếp biết Hồ Chủ
tịch, không cứ người đó là người Việt Nam hay ngoại quốc, để lấy tài liệu
viết tiểu sử. Phương pháp này rất khó khăn và cần nhiều thì giờ, nhưng may
ra thì thành công. Cuối cùng kết quả chứng tỏ cách ấy là đúng. Tôi theo
phương pháp ấy, sau hai năm làm việc, cuối cùng có khá tài liệu để viết một
ít chuyện về Hồ Chủ tịch.
Tôi cũng nhận rằng trong quyển sách này còn thiếu nhiều đoạn. Trong
đời hoạt động của Hồ Chủ tịch những đoạn ấy phải chăng là rất quan trọng?
Tôi không thể biết, đồng thời tôi cũng nghĩ rằng: ngoài Hồ Chủ tịch, thì
không ai có thể trả lời được câu hỏi đó.