họp khá lâu. Người ta phải nghỉ một lát. Trong khi nghỉ, người ta đưa ông
Nguyễn xuống hầm toà án để giữ ông và cho ông ăn uống.
Sau nhiều phiên toà kéo dài hơn một tháng, chánh án tuyên bố xoá bỏ tất
cả những lời buộc tội ông Nguyễn, nhưng ông phải dời khỏi Hương Cảng
trên một chiếc tàu Pháp.
Đó là một thủ đoạn xảo quyệt của toà án để khỏi mang tiếng kết án một
người vô tội, nhưng sự thật là trao ông cho thực dân Pháp.
Ông Lô-dơ-bai chống lại kết luận của toà án, và ông liền kêu đến toà án
của hoàng đế Anh ở Luân Đôn.
Ông giao việc này cho luật sư Xít-ta-pho Cơ-ríp (Stafford Crips) (là một
đảng viên xã hội sau làm Bộ trưởng ngoại giao Anh).
Trong khi chờ đợi sự quyết định của Luân Đôn, ông Nguyễn ốm. Ông
Lô-dơ-bai dàn xếp để ông Nguyễn được đưa đi nhà thương.
Ông Nguyễn đến nhà thương gây nên một sự thay đổi lớn trong nhà
thương. Người ta làm thêm ổ khoá vào các cửa phòng vì sợ ông trốn.
Những vật gì treo trên tường đều dọn đi vì sợ ông tự sát; xung quanh phòng
có lưới thép. Hai người cảnh sát Ấn Độ cao to gác trước cửa phòng. Trong
phòng hai mật thám người Trung Quốc ngày đêm canh giữ. Trong những
người bệnh nằm trong phòng, có cả kẻ giết người, đầu sỏ ăn cướp, thổ phỉ,
v.v.
Nhờ ông Lô-dơ-bai mà ở nhà thương ông Nguyễn được săn sóc chu đáo.
Ông có một cái giường tốt và được ăn cơm tây. Ông nói: cả đời chưa bao
giờ Nguyễn được ăn uống sung sướng như thế này.
Ông Lô-dơ-bai và bà vợ cùng cô con gái thường đến thăm ông Nguyễn,
đem cho ông quà bánh, sách báo và cả đồ chơi giải trí.
Ông Nguyễn ăn ở tốt với mọi người, và mọi người cũng tốt đối với ông.
Khi nào ông không đọc sách, ông nói chuyện thân mật với những người
bạn trong phòng và nghiên cứu những đặc tính của họ. Hai người bị bắt làm
ông chú ý hơn cả: một em bé học nghề mười ba tuổi đã giết một em bé học
nghề khác cùng tuổi với nó, vì em này sau khi đánh bạc thua đã ăn cắp của