I
Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những
xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 37°
không lên cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có
lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu
cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng
và phố thời chiến vắng lặng. Tôi không tìm được, ở đâu trong nhật kí, trang
cuối một cuộc chiến tranh, và ở đâu, trang đầu một cuộc chiến tranh nữa.
Nhưng tôi biết, một buổi chiều bình thường, bỗng dưng ngoảnh lại, đã thấy
những đám khói sau lưng. Một buổi chiều khác, đã thấy chiến tranh bao vây
mọi phía, lấp kín mọi lối đi về. Tôi chuẩn bị một cuốn sách, chép lại từ 250
trang nhật kí, lem nhem mực tím, xen lời kể các nhân chứng, của chiến
tranh, của tình bạn, tình iêu. Tôi đi ngược lại thời gian, ngược về những
ngày, chiến tranh còn lấp lửng, trong hòa bình. Tôi chuẩn bị cất vào thời
gian, những lưu niệm phức tạp, và cả những không vui nào nữa. Nhật kí bắt
đầu một buổi tối, không chính xác, năm 1954. Anh Dưỡng là chủ nhân, của
nhật kí. Anh thuộc con số những người tham gia trực tiếp hai cuộc chiến
tranh, mỗi lần trên một chiến tuyến. Hai cuộc chiến tranh, là hai cuộc đời,
không thể chia sẻ, cho nhau. Hai cuộc chiến tranh, là quá khứ của anh, là
tương lai của anh, cũng chẳng thể liên quan được đến nhau. Giữa hai cuộc
chiến tranh, là ba cuốn sổ tay, khổ 20x18, loại bìa dằn di. Sau này các cửa
hàng mậu dịch quốc doanh không bán loại sổ tay này nữa. Sau này tôi hiểu
tại sao, anh Dưỡng đã không chọn, những sổ tay bìa hoa hồng, hoặc hoa
sen, hoặc hoa đào. Giữa hai cuộc chiến tranh, là nhật kí.
Không biết, tôi đã đọc ở đâu, một í kiến về thời gian, như thế này: hiện tại
được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng,
vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ