cách mạng rồi, vì mọi chính sách, nội qui, cái gì nó cũng thuộc làu trôi
chảy, và trông nó có vẻ tự giác thật. Tôi nghĩ, trước sau tôi cũng sẽ về được
với cách mạng, vì Bú Dù nói rằng, chỉ có hai loại người, trong xã hội tôi
sống. Người cách mạng, và người không cách mạng. Người không cách
mạng, tức là phản cách mạng. Không có loại người thứ ba. Tôi gọi thêm
chầu càphê và bánh ngọt. Tôi còn lấy bao Hữu Nghị, tôi dúi cho Bú Dù. Tôi
ngồi với nó mãi, đến 5 giờ 10.
Đến 5 giờ 10, Bú Dù nói: “Chuyện thế này, cả ngày mai cũng không hết.
Tôi đi đây. Tôi đi tàu 6 giờ”. Tôi lấy thêm đĩa bánh, gói cho nó mang đi.
Tôi đứng, trông nó bé loắt choắt, tay đeo băng tang, balô to tướng trên vai,
giữa chiều đông tím, láo nháo gió. Tôi thấy có cái gì tội tội. I như trong
thánh kinh: tội phạm tự giác dẫn thân tới nhà giam, để đền tội. Tôi trông
theo nó mãi, rất lâu, sau cả lúc bóng nó, bị một đám đông tím, lóa nhóa xóa
đi.
Bú Dù đi rồi một lúc, tôi lên xe, mà chưa biết đi đâu. Thế là lại, những ngã
tư và những cột đèn. Mạng đèn chiều bật đầy nội thành. Tôi đạp xe loanh
quanh. Tôi rẽ Cửa Nam, tôi vào phố Tràng Thi, tôi qua Nhà hát lớn, rồi
Hàng Khoai, tôi qua vườn hoa Hàng Đậu, rồi Hàng Lược. Trại cải tạo P.Q
vẫn còn lởn vởn, trong đầu tôi. Nhưng những chi tiết cụ thể, thì quên cả.
Chỉ còn lại, một ám ảnh thương xót, tồi tội. cố nghĩ sang chuyện khác
nhưng tôi lại quay về, trại cải tạo P.Q. Tôi vào phố Hàng Quạt. Nhưng
không nhìn phố. Mắt tôi lúc này quay vào bên trong. Quay vào bên trong
cũng không thấy gì. Sọ tôi thấy vậy mới hỏi: “Làm sao thế?” Tôi không
đáp. Sọ hỏi tiếp: “Thương thân à?” Tôi nói, có tội phạm đâu, mà thương
thân. Sọ nói: “Thương Ngưu thì xót Mã”. Tôi đổ ra Bờ Hồ tím, tôi nói ừ, thì
thương người, là tôi thương thân. Nhưng kẻ nào không thương thân, mà biết
thương người? Hòn đá bên lòng phố kia, không thương người, vì chẳng
thương thân. Do đó thương thân, thì chả có gì mà xấu hổ. Thương người và