mắt. Mày có thấy đời hiện đại, người ta chú í giải sầu cho nhau, có ghê
không. Khách xinê, khoái mắt rồi, lại cần tao hát để khoái cái lỗ tai, và cắn
hạt dưa để khoái cái lỗ mồm. Đời hiện đại là một khoa học giải sầu, tinh vi
nhất. Tao làm nghề giải sầu thiên hạ, được tẹo tiền tao lại đi giải sầu cho
tao, ngoài vườn hoa. Mày thấy có li kì không. Đa vấn đề lắm. Kết luận của
tao, đời hiện đại là một sự thuê tiền lẫn nhau, người nọ phải giải sầu cho
người kia. Đời thế mà vui, chứ không phải sầu đâu. Người thì có kẻ sầu, vô
số thằng sầu, con sầu. Nhưng đời khác. Đời là mọi người hợp nhau lại, để
giải sầu và chống sầu”. Tôi nói: “Ừ, hồi trước tiếp quân, tao đã nghe mày
triết lí giải sầu. Bây giờ, mày cũng vẫn nói thế. Lời có khác, nhưng í thì vẫn
thế”. Nó nói: “Lời mà khác, thì í không thể vẫn thế. Í cũng phải khác”. Tôi
nói: “Khác quái gì. Trước kia mày nói, cả thành phố đểu cáng dâm loạn,
thuê mày hát để giải sầu, cho thành phố. Mày được tiền, lại dùng tiền, để
bắt cả thành phố giải sầu lại cho mày”. Nó nói: “Đấy. Có khác đấy. Cái thần
nó khác. Trước kia lời tao dùng nghe ác độc, là vì đời ác. Cũng cái luật ấy
thôi, nhưng đời ác, làm cho luật đời ác theo. Chứ đời bao giờ chẳng là đời”.
Tôi nói: “Mỗi đời mỗi khác. Mày đi họp khu phố luôn, nghe cán bộ nói, mà
không thông à? Đời không phải để giải sầu. Đời ngày trước là ăn thịt nhau,
cắn xé nhau, để tranh nhau miếng sống. Bây giờ, đời là sống, để lao động,
và phục vụ”. Nó nói: “Và để giải sầu. Nhất định phải có mục ấy nữa. Trong
cuộc sống, có sầu. Trong lao động, cũng có sầu của nó”. Tôi nói: “Có cả cứt
nữa, chứ riêng gì sầu. Có ỉa, đái, đau ốm, đểu giả, đủ thứ. Không nêu hết
được. Đã triết lí, là phải triết bỏ đi, tất cả bọn lặt vặt, râu ria vô ích. Phải
chắt lấy cái í chính”. Tôi cãi hăng, tôi nhớ từ hồi đi học, tôi với nó cũng đã
cãi hăng, nhiều vụ. Nhưng cãi nhau với nó, thú hơn ngồi với Tình Bốp. Vì
thằng Đoành coi mọi chuyện đều tầm phào, còn với thằng Tình Bốp,
chuyện gì cũng quan trọng. Tối nay cũng vậy, thằng Đoành nói: “Tao không
triết lí. Triết lí làm quái gì. Đời chỉ có một mẩu, dù trăm niên vẫn ngắn. Tao
đến với đời, không phải để bóp sọ, mà triết lí. Chẳng cần phải triết bỏ cái gì
cả. Giản dị thấy sao tao nói vậy. Tao cù nhầy. Tao nói dối. Tao giải sầu. Tao
sống. Cứ cho là tao triết lí râu ria, cũng được. Còn mày, mày lấy cái lí chính
ở đời ra, cho tao xem nào. Để xem nó tròn méo thế nào”. Tôi nói: “Mày