thằng đánh máy, thằng cơ quan. Thằng nào muốn làm ăn tử tế, đều được
cộng sản giúp đỡ. Vì cộng sản quí nhất lao động. Thằng nào phản động,
như thằng Hoóng, mới bị trừng trị. Mày nên nghĩ giản dị như thế”.
Ngày số 4. Tôi dậy lúc 4 giờ sáng. Cửa sổ vẫn đầy mưa bụi. Đèn vẫn để
suốt đêm. Cốc tách bừa bộn. Thằng Đoành ngủ lăn trên sàn, ngáy ầm ầm.
Tôi dọn lại bàn ghế, chai cốc, rồi khênh thằng Đoành lên giường. Tôi rũ
chăn, đắp cho nó. Nó mở mắt, trắng dã nhìn tôi, rồi lại nhắm mắt. Rớt dãi
chảy quanh mép. Tôi tắt đèn, rồi lẳng lặng đi ra.
Ngoài phố mưa bụi. Tàu điện lanh canh, chuyến sớm nhất. Mặt trời còn
chưa mọc. Phố còn tôi. Lác đác vài người, đi làm sớm. Trời se lạnh. Cuộc
nói chuyện đêm qua làm tôi thấy khoan khoái. Thằng Đoành đúng là thằng
vui nhộn. Tôi phục nhất, là nó đóng kịch, và nói dối giỏi. Nó dối trá, nhưng
vô hại. Có nó, bản đồ đời cũng vui hơn. Tuy vậy, tôi hơi lạ, tại sao công an
cho nó hát, ở rạp xinê. Ắt nó phải có công gì với công an chứ. Tôi nghĩ
không ra, nên chẹẹc lưỡi kệ nó. Tôi nghĩ, nó không phải loại người hại bạn.
Nó không ưa Tình Bốp. Nó biết cái gì đó, nhưng không nói ra. Tôi nghĩ vơ
vẩn như thế, được một lúc, thì đến ngã tư mưa bụi. Tôi rẽ vào ngõ. Người đi
làm, mỗi lúc một đông thêm. Họ đi, ngược về phía tôi. Phố xóm vẫn còn
tối.
Tôi về nhà, thấy Cốm đi rồi. Nhưng không phải đi làm. Quần áo, Cốm
mang đi. Gói tư trang, Cốm mang đi. Nhà lạnh, như nhà mồ. Lạnh tự dưng.
Có lẽ, Cốm về Mọc, quê mẹ. Có lẽ, Cốm lên chỗ mẹ tôi. Sọ tôi cũng lạnh.
Đồng hồ dạ quang trên tay, chỉ 4 giờ 30. Điện buồng tôi đèn bật, trắng nhợt.
Còn chưa biết làm gì, thì có tiếng chân người, ngoài sân. Tôi chạy ra, gặp
thằng Chắt. Nó dắt chiếc xe đạp, lọc cọc. Nó nói: “Tao phải đi làm ngay.
Tao có việc, phải hỏi mày. Tao đi qua, thấy đèn sáng, nên tao vào. Tao sốt