Ngành giáo dục không phải là ngoại lệ của quá trình này. Dân chủ sẽ làm
cho hệ thống công quyền của chúng ta năng động hơn và có trách nhiệm
hơn. Nghĩa là dân chủ hơn thì làm quan khó khăn hơn, nhưng công việc sẽ
tốt đẹp hơn.
Hiện nay, liên quan đến giáo dục, ai cũng cảm thấy có cái gì đó không ổn và
ai cũng hăng hái có ý kiến. Nhưng nhận thức một cách mạch lạc, sáng tỏ về
những vấn đề đang đặt ra là cái chúng ta sẽ phải còn hướng tới. Ví dụ, vấn
đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về việc học thêm, của trẻ em chẳng hạn. Tại
sao nói mãi mà chúng ta vẫn không sửa được? Lỗi của lãnh đạo ngành giáo
dục đến đâu? Thực ra, nếu dạy thêm là một cách để có mức thu nhập đủ
sống, hoặc tương xứng với mức mà bất kỳ một giáo viên bình thường nào
cũng thấy rằng mình xứng đáng được hưởng, thì lỗi không chỉ hoàn toàn
nằm ở mỗi nơi các nhà lãnh đạo ngành giáo dục: ngành giáo dục không tự
quyết định hệ thống lương cho các giáo viên. Thế nhưng, trong cơ chế thị
trường, lương của giáo viên cũng phải được trả theo quy luật của thị trường.
Dạy học là một loại lao động mà chúng ta phải bỏ tiền ra để mua. Nhà nước
mua, hay xã hội mua thì cũng phải trả cho đúng giá. Toàn bộ rủi ro nằm ở
chỗ: chúng ta không chấp nhận việc trả học phí một cách tương xứng và
công khai, mà lại chấp nhận việc trả lòng vòng để phải chịu cộng thêm
những chi phí vô cùng đắt đỏ khác như sức khỏe, sự phát triển lành mạnh
và tuổi thơ tươi đẹp của con cháu chúng ta. Nếu những giáo viên thấy rằng
họ phải có thêm thu nhập thì cách dễ nhất và hợp lý nhất là tổ chức dạy
thêm. Nếu việc dạy thêm bị cấm, họ sẽ có cách để các bậc phụ huynh làm
đơn chính thức đề nghị cho con cái họ được học thêm v.v. và v.v. Và cứ
theo cách này, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề vì chúng ta
đã không nhìn nhận và tìm cách giải quyết nguyên nhân chính của vấn đề.
Như vậy, thành lập một ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra về những
vấn đề của giáo dục nhiều khi là cần thiết và có lợi cho ngành giáo dục, chứ
chưa hẳn đã là ngược lại.