Chính sách thay thế nhập khẩu thường gắn với một thị trường được bảo hộ.
Tuy nhiên, khả năng bảo hộ của chúng ta cho các nhà sản xuất “không thể
nào khá lên được” sẽ ngày càng hạn chế. Sau AFTA sẽ là WTO, thiên hạ
mở cửa thị trường của họ cho chúng ta đến đâu, thì chúng ta buộc lòng phải
mở cửa thị trường của mình cho họ đến đó. Như vậy, sắp tới cái mà chúng
ta thật sự sẽ có là “một chiếc bình thông nhau”. Với “chiếc bình thông nhau
này”, những gì bán được cho thiên hạ mới chắc chắn là những thứ bán được
ở trong nước cho chính chúng ta. Rủi ro lớn nhất của hội nhập là tình trạng
chúng ta chẳng bán được gì cho thiên hạ, đồng thời cũng chẳng bán được
thứ gì cho chính chúng ta.
Tất nhiên, để bán được hàng cho thiên hạ, ngoài chất lượng, giá cả, chúng
ta sẽ còn cần phải đấu tranh để bảo đảm các điều kiện thương mại công
bằng. Nếu mỗi người nông dân ở các nước đang phát triển như nước ta mỗi
ngày chỉ kiếm được trên dưới 1 USD, trong lúc đó mỗi con bò ở nhiều nước
phương Tây được trợ giá mỗi ngày lên tới 2 USD, thì những con bò Tây
“nhập cảnh” vào nước ta sẽ dễ dàng hơn sản phẩm của những người nông
dân “xuất cảnh” sang nước họ. Tuy nhiên, đây là công việc phải được giải
quyết trên bàn hội nghị chứ không phải trên những cánh đồng. Nhanh
chóng gia nhập WTO là rất cần thiết để chúng ta nâng cao khả năng thương
lượng, đồng thời hợp tác với các nước đang phát triển khác để đấu tranh
cho một trật tự thương mại thế giới công bằng hơn.