I
NƯỚC XOÁY Ở Ô SAINT ANTOINE VÀ ĐÁ NGẦM
Ở Ô TEMPLE
Hai chiến lũy đáng ghi nhớ nhất mà nhà quan sát các bệnh trạng xã hội có
thể nêu ra không thuộc về thời kỳ câu chuyện kể trong sách này xảy ra. Cả
hai chiến lũy ấy đều tượng trưng cho một tình hình ghê gớm ở hai phương
diện khác nhau, cả hai đều từ dưới đất mọc lên trong cuộc khởi nghĩa tất yếu
tháng sáu năm 1848, cuộc chiến tranh đường phố lớn nhất mà lịch sử đã
chứng kiến.
Một đôi khi bất chấp những nguyên lý, bất chấp tự do, bình đẳng và bác
ái, bất chấp phổ thông đầu phiếu, bất chấp quyền chấp chính của toàn thể đối
với toàn thể, từ những khắc khoải, những nản lòng, những xơ xác, những
bức sốt, những hãi hùng, những uất khí, những dốt nát, những tăm tối của
mình, đám ngu dân tuyệt vọng nổi lên phản kháng và đánh lại nhân dân.
Cùng dân tấn công pháp luật phổ thông, cùng dân tự tạo cho mình cái quyền
đứng lên chống lại dân quyền.
Những ngày đó là những ngày ảm đạm, bởi vì bao giờ cũng có một lượng
chính nghĩa nhất định trong sự cuồng loạn đó, và cuộc chiến đấu đó bao hàm
cái tính chất tự sát. Những tiếng: Cùng dân, ngu dân, loạn dân, dân ô hợp,
được coi như là tiếng để mạt sát, tiếc thay lại nói lên cái lỗi của người cầm
quyền, người hưởng đặc quyền, hơn là cái lỗi của kẻ bị trị, kẻ bất hạnh.
Riêng chúng tôi, không bao giờ chúng tôi nói những tiếng ấy mà không
cảm thấy xót xa và kính cẩn, bởi vì khi triết lý đi sâu vào những sự kiện mà
những từ ấy diễn đạt, thì triết lý tìm thấy trong đó rất nhiều cái lớn lao bên
cạnh điều tồi tệ. Thành quốc Athénien là kết quả của chính quyền quần
chúng; cùng dân đã làm nên nước Hà Lan, dân ô hợp đã mấy lần cứu thoát
La Mã, và ngu dân đã đi theo Chúa Jésus Christ. Không có nhà tư tưởng nào
mà không có lần chiêm ngưỡng những huy hoàng của tầng lớp đáy.
Khi Thánh Jérôme nói cái lời bí ẩn: «Fex urbis, lex orbis,»
đã nghĩ tới đám ngu dân, đến tất cả những người nghèo khổ, những kẻ lang