III
NÓ THẬT DỄ THƯƠNG
Buổi tối, chỉ với vài xu, cũng có thể kiếm được thằng bé ấy
hát. Vừa bước vào cái ngưỡng cửa thần kỳ ấy, nó cải hóa hoàn toàn. Nó
không còn là thằng nhóc nữa mà là chú bé titi. Những rạp hát là những con
tàu thủy đặt ngược, đáy lộn lên trên. Chính ở cái đáy ấy mà cái đám titi này
chồng chất. Thằng titi đối với thằng nhóc, cũng như con bướm đối với con
sâu. Cũng một con vật ấy nhưng không bò lê mà bay lượn. Chỉ cần có mặt
nó với những tia sáng tươi vui mà nó phát ra, với cái độ nồng nhiệt hào hứng
của nó, với những cái vỗ tay giống như vỗ cánh, đủ khiến cho cái đáy thuyền
chật hẹp, hôi hám, tối đen, tiều tụy, bẩn thỉu, xấu xa, ghê tởm ấy mang tên là
“Thiên Đường”.
Hãy cho một đứa trẻ những cái vô ích và tước hết những cái cần thiết, nó
sẽ thành thằng “nhóc con”.
Thằng nhóc con thế mà cũng có khiếu văn chương. Xu hướng văn chương
của nó - chúng tôi nói điều này mà nó có phần tiếc - không phải là xu hướng
cổ điển. Theo bản chất của nó, nó ít mô phạm. Đơn cử một thí dụ: Cái lừng
lẫy của nữ nghệ sĩ Mars
vào trong đám công chúng những trẻ con bão
táp ấy liền được điểm thêm một chút gia vị hài hước. Thằng nhóc con gọi cô
Mars là cô Muche.
Nhân vật ấy nói bô bô, chế nhạo mỉa mai, ẩu đả, quần áo tã như một đứa
trẻ con và bệ rạc như một nhà triết học. Câu cá ở cống, săn ở rãnh, biến rác
rưởi thành vui tươi, la hét, quát tháo ở góc phố, đầu đường, vừa cười, vừa
cắn, huýt sáo chế nhạo và hát ca, hoan hô và đả đảo, dung hòa bài ca ngợi
Chúa Alleluia với điệu khôi hài Matanturlurette, tung tất cả các điệu nhạc
thơ từ điệu De profundis đến điệu Chienlit, chẳng tìm mà vẫn thấy, biết cái
nó không biết, tự nghiêm khắc với mình mà vẫn ăn cắp vặt, điên rồ mà vẫn
khôn ngoan, trữ tình mà vẫn thô tục, ngồi xổm trên đỉnh núi Olympe
lăn
lộn trong đống phân mà đứng dậy người đầy sao sa. Thằng nhóc Paris là
Rabelais
cỡ nhỏ.