XII
TƯƠNG LAI TIỀM TÀNG TRONG QUẦN CHÚNG
NHÂN DÂN
Còn nhân dân Paris, dù đã là người lớn vẫn cứ là chú nhóc con. Miêu tả
em bé Paris tức là miêu tả thành phố Paris. Vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu
con chim ưng kia ở trong con chim sẻ tự do này.
Ta hãy nhấn mạnh điểm này, là cái giống thuần túy của Paris xuất hiện
nhiều nhất ở vùng ngoại ô. Đó mới là Paris chính cống, đó mới là bộ mặt
thực của Paris, ở đó dân Paris lao động và đau khổ mà đau khổ và lao động
là hai bộ mặt của con người. Ở đó lúc nhúc nhiều vô kể những con người vô
danh, đầy rẫy những điển hình kỳ lạ nhất, từ bác phu dỡ hàng ở La Râpée,
đến anh đồ tể ở Montfaucon. Cicéron nói “cặn bã thị thành”,
Burke,
công phẫn nói thêm “Dân hạ lưu”,
bùn rác, quần chúng, dân hèn, nói như
thế cũng dễ thôi. Nhưng cũng được. Có quan trọng gì? Nếu họ đi chân đất thì
có làm sao? Họ không biết đọc? Cũng cóc cần. Có phải vì thế mà ta bỏ rơi
họ không? Ta có quyền rủa cảnh buồn khổ của họ không? Ánh sáng có thể
chiếu rọi vào tận đám quần chúng đó không? Ta hãy trở lại cái tiếng kêu gọi:
Ánh sáng! Và kiên trì kêu gọi: Ánh sáng! Ánh sáng! Biết đâu đấy, những
khối u minh dầy đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc Cách
Mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì? Hãy tiến lên! Hỡi
các nhà triết học, hãy giảng dạy, hãy soi rọi, hãy đốt sáng, hãy nghĩ thành
tiếng, hãy nói to lên, hãy vui vẻ chạy tới mặt trời bao la, hãy hòa mình vào
những quảng trường, hãy báo những tin vui, hãy phổ biến chữ cái, hãy tuyên
bố những pháp quyền, hãy hát những khúc hát Marseillaises hãy gieo mầm
phấn khởi, hãy hái những cành sồi xanh. Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như
gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy
biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức
đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó. Những bàn
chân không ấy, những cánh tay trần ấy, những giẻ rách ấy, những ngu độn
ấy, những ô nhục ấy, những bóng tối ấy có thể dùng để chinh phục lý tưởng.