VI
CẦU NGUYỆN LÀ MỘT ĐIỀU HAY TUYỆT ĐỐI
Còn cách thức cầu nguyện, mọi cách thức đều tốt quý hồ là chân thành.
Có thể mở ngược sách nhưng hãy đi vào vô biên.
Chúng ta biết là có một thứ triết học phủ nhận cái vô biên. Cũng có một
thứ triết học, xếp vào loại bệnh tật, phủ nhận mặt trời, cái triết học ấy tên gọi
là mù. Đem một giác quan ta không có dựng lên thành một nguồn chân lý,
chỉ người mù mới có cái tự tin lạ lùng ấy. Kỳ lạ là cái triết học mò ấy lại lấy
những dáng điệu kiêu ngạo, trịnh trọng và thương hại người ta, khi đứng
trước cái triết học nhìn thấy Chúa. Người ta tưởng như nghe thấy một con
chuột chũi kêu to: “Ôi! Thương hại thay bọn họ với cái mặt trời của họ”.
Chúng ta biết có những nhà triết học vô thần nổi tiếng và có uy thế mạnh.
Những con người này, nhờ cái sức mạnh tư duy của họ đã trở lại được với
chân lý. Thực ra họ cũng chưa tin hẳn họ là vô thần. Đối với họ cũng cần chỉ
là một vấn đề định nghĩa và trong tất cả mọi trường hợp, nếu họ không tin
Chúa, vì họ là những trí tuệ lớn, thì chính họ chứng minh là họ có Chúa.
Chúng ta nghiêng mình chào họ là những nhà triết học nhưng vẫn phê bình
nghiêm khắc triết học của họ.
Ta hãy bàn tiếp.
Điều đáng phục nữa là họ dùng ngôn ngữ một cách rất tùy tiện. Một
trường phái triết học Phương Bắc, cũng hơi bị sương mù bao phủ, đã tưởng
làm được một cuộc Cách Mạng trong sự hiểu biết của con người, bằng việc
thay từ Sức Mạnh bằng từ Ý Muốn. Nói rằng: Cái cây muốn mà không nói
cái cây lớn lên, điều đó có vẻ như là sáng tạo phong phú thật nếu người ta
nói thêm: Vũ trụ muốn. Vì sao? Bởi vì có thể rút ra điều này: Cái cây muốn
như thế nghĩa là cái cây có một “cái tôi”, vũ trụ muốn, vậy thì có một Chúa.
Còn chúng tôi, khác hẳn với trường phái này, chúng tôi không gạt bỏ cái gì
trước khi cân nhắc, đối với chúng tôi thì việc nhận là cái cây có ý chí, như
trường phái ấy thừa nhận, còn khó hơn là nhận rằng vũ trụ có một ý chí, điều
mà trường phái ấy phủ nhận.
Phủ nhận ý chí của vô biên, nghĩa là Chúa, điều này chỉ có thể ý niệm