I
CHÍN MƯƠI TUỔI VỚI BA MƯƠI HAI CHIẾC
RĂNG
Phố Boucherat, phố Normandie và phố Saintonge ngày nay còn vài người
dân cũ nhắc đến một cụ già tên là Gillenormand, nhắc đến một cách thích
thú. Khi họ còn là thanh niên thì ông lão này đã già rồi.
Đối với những ai bùi ngùi nhìn về cái quá khứ rộn ràng những bóng dáng
lờ mờ thì cái hình ảnh ấy hãy còn chưa mất hẳn trong những đường sá chằng
chịt như mạng nhện gần khu Temple. Thời vua Louis XIV, các đường phố
ấy mang tên tất cả các tỉnh nước Pháp, giống như bây giờ ở khu Tivoli,
người ta lấy tên của tất cả các thủ đô Châu Âu mà đặt cho các phố. Nhân tiện
nói qua: Đấy là một sự tiến lên, dấu hiệu của tiến bộ.
Năm 1831 lão Gillenormand vẫn còn khỏe mạnh như mọi người. Lão đã
thành ra một nhân vật rất lạ mắt chỉ vì sống lâu quá và kỳ dị, vì không giống
một ai bây giờ nữa, tuy ngày xưa lão cũng giống tất cả mọi người. Thật là
một ông già đặc biệt, người của một thời đại khác, một người tư sản hoàn
chỉnh và hơi kiêu hãnh của thế kỷ mười tám, một người mang cái dòng dõi
tư sản của mình với cái vẻ của các vị hầu mang tước hầu của họ. Lão đã
ngoài chín mươi tuổi nhưng lưng vẫn chưa còng, nói vẫn sang sảng, rượu
vẫn đánh tì tì, mắt vẫn sáng, ăn nói vẫn khỏe, ngủ vẫn ngáy vang. Lão vẫn
còn nguyên ba mươi hai cái răng. Khi đọc sách lão mới cần kính. Vẫn đa
tình, nhưng thường nói rằng từ mười năm nay đã dứt khoát không bén mảng
đến đàn bà nữa. Lão bảo rằng: “Không thể làm cho đàn bà cảm được nữa";
lão không bảo vì lão già khọm, nhưng lão bảo vì lão đã nghèo rồi. Lão nói:
“Nếu ta không bị sa sút thì… hừ… hừ…!”
Lão chỉ còn một số lợi tức chừng mười lăm nghìn francs. Điều ước mơ
của lão là gom góp một cái gia tài lớn, có được một trăm nghìn francs lợi tức
để bao được vài mụ nhân tình. Người ta thấy rõ lão không phải thuộc lớp
người tám mươi gầy còm, ốm yếu, lúc nào cũng khặc khừ sắp chết như ông
Voltaire, không phải cái thứ tuổi thọ hom hem rạn nứt, lão già cứng cáp này