III
LUC ESPRIT
Hồi mười sáu tuổi, một tối, ở rạp Opéra, Lão đã được cái vinh dự một lúc
hai mỹ nhân đứng tuổi và nổi danh mà Voltaire ca ngợi, nàng Camargo và
nàng Sallé, cùng một lúc chĩa ống nhòm vào lão. Bị hai phía lửa kẹp lại, lão
đã rút lui một cách anh dũng về phía một cô vũ nữ nhỏ tên là Nahenry, cũng
mười sáu tuổi, tối tăm, không ai biết, như một con mèo. Lão mê cô bé ấy.
Một lần lão kêu lên khoái trá: Úi chà! Sao mà nó đẹp thế, cô bé Guimard,
Guimardini, Guimardinette, lần vừa qua mà tôi gặp nó, tóc uốn kiểu “tình
cảm lâu bền” với những chiếc hoa tai “đến đây mà xem” bằng ngọc bích,
chiếc áo dài màu “những người mới đến”, chiếc bao tay lông thú “khuấy
động”. Đương tuổi thanh niên lão đã mặc một chiếc áo kiểu Nain Londrin
mà lão thường nhắc tới một cách say sưa: “Tôi trang phục như một người
Thổ chính cống của Phương Đông chính cống”. Bà De Boufflers, ngẫu nhiên
gặp lão một lần khi lão 20 tuổi, đã gọi lão là một “chàng trai mê hồn”. Tất cả
tên nhân vật trong chính giới đang cầm quyền, lão đều cho hèn mọn và tư
sản. Đọc báo chí, mà lão gọi là những tờ “tin tức” những “gazettes”, lão luôn
luôn phì cười. Lão nói: “Úi chào! Những anh chàng ấy là ai thế? Corbière!
Humann! Casimir Perier! Cái trò ấy mà là Thượng Thư! Tôi hình dung đọc
tin này trên một tờ báo. Ông Gillenormand Thượng Thư! Buồn cười quá nhỉ.
Nhưng chẳng sao, họ ngu đần lắm, cho nên rồi cũng yên cả”. Lão ngang
nhiên gọi mọi việc bằng cái tiếng chính xác, hay tục tĩu, không cần giữ ý tứ
gì cả trước mắt phụ nữ. Lão nói thô, văng tục, trâng tráo, một cách bình tĩnh,
ngang nhiên, theo phong cách lịch sự ngày trước. Đó là cái kiểu thoải mái,
không câu nệ của thế kỷ của lão. Ta cũng nên nhớ rằng thời kỳ thơ cầu kỳ
tao nhã cũng là thời kỳ văn xuôi sống sượng thô tục. Người cha đỡ đầu của
lão đoán rằng lão sẽ là một thiên tài và đã đặt cho lão cái tên có ý nghĩa này:
Luc Esprit.