ra bảo anh Phát vào đây. Lát nữa mời cả chú Hạng sang ăn cơm. Nhân tiện
anh về, chú cháu anh em cùng bàn bạc.
Phú đưa tay gãi đầu.
- Thôi bố ạ. Họp hành để khi khác, còn nhiều thời gian. Chưa chắc bây
giờ anh Phát đã có nhà. Vả lại tính anh ấy khác lắm. Con không muốn ngày
đầu về mà anh em đã sinh chuyện
***
Bữa cơm khách hôm ấy chỉ có bốn người. Ngoài ông Tài, Phú, Xoan,
còn có thêm ông giáo Hạng, em ruột ông Tài. Nhà ông giáo Hạng ở cuối
làng, nhưng ngay từ chiều, cái tin anh Phú xuất ngũ mang theo một cô vợ
người "đồng rừng" về đã đến tai ông. Bây giờ, trước mặt ông là Xoan, đúng
như người ta bình luận, hơi đứng tuổi và có vẻ quê mùa. Bằng con mắt của
một nhà giáo hơi có phần nệ cổ, ông Hạng kín đáo xem xét Xoan và tự rút
ra một nhận xét: "Xoan không đẹp, nhưng khoẻ mạnh, có duyên thầm".
- Thằng Phú tinh ra phết đấy bác ạ - Ông Hạng ghé tai ông Tài thì thầm
khi cả Xoan và Phú còn ở dưới bếp - Xét về hình thức màu mè thì có vẻ
bình thường. Nhưng cái nết mới đánh chết cái đẹp. Cứ xem cách nói năng
đi đứng, cách nó làm ăn thì đủ biết. So với con Lộc nhà này là nó ăn đứt...
Hai anh em còn đang to nhỏ bàn tính thì Xoan đã bưng mâm cơm lên.
Không biết vì lửa bếp hay vì ánh mắt của hai ông già mà mặt cô bỗng hồng
rực, căng đầy sức trẻ và vẻ đẹp mà thời gian tưởng đã lấy đi mất.
- Dạ, con xin phép bố với chú - Xoan nhẹ nhàng thu dọn ấm chén, giành
chỗ đặt mâm. Ông Hạng vừa thu cái điếu vào lòng vừa nhìn Xoan gật gù.
Có thế chứ. Rõ ràng là con nhà có văn phép. Chứ các cô gái mới lớn bây
giờ, chúng nó đâu cần biết đến cái lối thưa gửi, phép tắc. Đến nhà con trai,
chẳng thèm biết đến ông bà bố mẹ, cứ cười nói hô hố. Lắm cô mặc áo
phông cộc đến nách, trông đến dơ dáng. Cứ cái đà này rồi bố mẹ ông bà đối
với chúng nó cũng chẳng ra cái nghĩa lí gì sất. Thế nên có được một cô gái
như thằng Phú nó chọn đây thì còn chê trách cái nỗi gì...
Ông Hạng có vẻ cao hứng. Khi Phú mang chai rượu về, mặc dù có chứng
đau dạ dày, ông cũng tự phá lệ, để mặc cho anh rót một chén đầy.