Và cô giải thích:
- Khi một người có mắt hay nhìn lên, cơ thể căng thẳng, cằm ngẩng cao,
thở nông và thở ngực, giọng khá cao và nói nhanh – kiểu từa tựa như anh –
người đó có kiểu giao tiếp Thị giác / Lý trí. Anh theo kịp chứ?
- Hừm... Jonathan trả lời, nhắm mắt lại để hình dung rõ hơn.
- Ngược lại, một người khác nói năng ung dung, giọng trầm hay mạnh
mẽ, dáng dấp chắc nịch, có vẻ cắm chặt trên mặt đất, hay nhìn xuống và thở
sâu, thở bụng sẽ khá chắc chắn là thuộc kiểu vận hành Cơ thể / Thể chất.
Cứ như thể cơ thể biểu hiện ra cách tư duy con người vận hành vậy.
Cuối cùng, cô nói tiếp, một người thở vừa ngực vừa bụng, đều đặn, nói
giọng trung và bình ổn, ánh mắt nhìn thẳng hay đưa ngang, thái độ cân
bằng “giữa Trời và Đất”, sẽ thuộc: Thính giác / Hòa điệu.
- Tôi nghĩ là tôi hiểu rồi, Jonathan nói với một vẻ thỏa mãn.
- Dĩ nhiên đây không phải là những nhãn dán cố định và vĩnh viễn.
Chúng ta đều có năm giác quan và chúng ta dùng cả năm. Đúng hơn là ta
đang nói về khuynh hướng sử dụng một giác quan nào đó trội nhất. Một
trong những mục đích của trò chơi là nhận ra kênh cảm nhận chính của
mình, để rồi phát triển mở rộng ra thêm các kênh khác để có thể phủ sóng
hết các kênh cảm nhận mà con người bình thường có được trong trạng thái
ý thức bình thường.