- Không hề! Anh chỉ đơn giản là phát hiện ra một điều mà ai cũng sẽ
nhận ra, vào lúc này hay lúc khác. Chúng ta không thể ngồi đó suốt ngày
tính tính toán toán, tiên liệu và tạo tác! Vậy thì, chúng ta đặt lòng tin vậy.
Nếu là bà anh thì sẽ gọi là có đức tin.
Tôi đã kể gì về bà tôi đâu nhỉ? À… ở đây nghĩ gì thì cũng như đã nói
thành tiếng vậy!
- Khái niệm Serendipity không phải mới xuất hiện hôm qua, – Khayr giải
thích. Đó chính là một trạng thái tâm hồn rộng mở, các giác quan đều nhạy
bén, quan sát và, dĩ nhiên, tin tưởng vào Cuộc sống. Từ serendipity vốn là
tựa một truyện kể của Horace Walpole, vào 1778, tên là “Ba hoàng tử xứ
Serendip”, là tên cũ của đảo Ceylan. Truyện này lấy cảm hứng từ một
truyện Ý của Michèle Traumezzino năm 1557, mà nó lại lấy cảm hứng từ
một câu chuyện Ấn Độ của Amir Khusrau, xưa đã 700 năm… bắt nguồn từ
một huyền thoại Thổ Nhĩ Kỳ – Mông Cổ! Tôi muốn nói rằng hiện tượng
này đã hiện diện khắp nơi và từ thuở nào đến giờ. Truyện kể của Walpole
có liên hệ chặt chẽ với truyện ngắn “Zadig” của Voltaire vào 1747, cũng
như đã tạo cảm hứng cho nhiều người thuộc các lĩnh vực khác, ví dụ như
Claude Bernard vào 1865, hay Thomas Huxley năm 1888… Anh muốn
nghe nữa không?
Tôi tròn mắt nhìn Khayr. Làm thế nào một ông lão như thế này lại biết
được những điều như thế? Ông ấy sống như người hoang dã, chẳng có cả ti
vi, tôi nghĩ mà không kìm được! Tôi quá bị ấn tượng.
Ông lão nhìn tôi với vẻ hài lòng. Tôi đã tỏ ra thích lý luận logic, và ông
vừa làm cho phần đó của tôi bị choáng ngợp.
- Tôi chịu rồi, – tôi khẳng định với một giọng nhại theo những người
đuối lý vì thiếu bằng chứng nên để mình bị thuyết phục.
Cả ba chúng tôi đều cười.
- Mọi người biết không, cả ngày tôi cứ gặp những Dấu hiệu vũ trụ, người
ta thì cho là ngẫu nhiên thôi… nhưng chúng đến với tôi hoài! Người ta thì
một năm dăm ba lần, tôi thì giờ nào cũng gặp. Nói về giờ thì tôi rất hay