thương mại thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi và
nền kinh tế thế giới luôn hồi phục nhanh chóng.
Hơn tất thảy mọi thứ, thậm chí còn vượt trên cả niềm tin vào
thương mại tự do, hay lý tưởng về một hệ thống thuế thấp và bộ
máy chính phủ nhỏ gọn, chế độ bản vị vàng chính là totem kinh tế
của thời đại này. Vàng là máu của hệ thống tài chính. Đó là chiếc
mỏ neo của hầu hết các đồng tiền, nó cung cấp nền tảng cho
các ngân hàng, và trong những giai đoạn chiến tranh hay hoảng
loạn, nó đóng vai trò như một phương tiện dự trữ an toàn. Đối với
tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới,
những chủ thể đóng góp một phần rất lớn vào quỹ tiền gửi, chế
độ bản vị vàng còn hơn cả một hệ thống tài tình nhằm kiểm soát
hoạt động phát hành tiền tệ. Nó giúp củng cố đức tính cẩn trọng và
cần kiệm, những phẩm chất tốt đẹp của thời đại Victoria , trong
các chính sách công. Theo những từ ngữ của H. G. Wells thì ở đó ẩn
chứa một “sự trung thực ngốc nghếch cao quý.” Trong giới chủ
ngân hàng, dù ở London hay New York, Paris hay Berlin, nó được tôn
thờ bằng một niềm sùng tín gần như mang màu sắc tôn giáo,
được coi như một món quà của thượng đế, một bộ chuẩn mực ứng xử
vượt không gian và thời gian.
Vào năm 1909, nhà báo người Anh Norman Angell, sau này là
biên tập viên tại Paris cho ấn bản tiếng Pháp của tờ Daily Mail, đã
cho xuất bản một cuốn tiểu luận với tiêu đề Ảo ảnh thị giác của
châu Âu (Europe’s Optical Illusion). Luận điểm trong tác phẩm
khiêm tốn của ông là những lợi ích kinh tế thu được từ chiến tranh
đều rất hão huyền - đó là nguồn gốc của tiêu đề cuốn sách -
và mối liên kết thương mại và tài chính giữa các quốc gia hiện nay
sâu rộng đến độ không một quốc gia khôn ngoan nào lại muốn
tính đến chuyện gây chiến. Tình trạng hỗn loạn về kinh tế, đặc
biệt là sự chia rẽ tín dụng quốc tế, nảy sinh từ một cuộc chiến