trên nền tảng một nền kinh tế chỉ lớn bằng 1/3 so với nền kinh
tế Mỹ. Từ những năm đầu của thế kỷ cho đến khi chiến tranh
bùng phát, thị trường cổ phiếu về cơ bản không có tiến triển gì
đáng chú ý. Đợt tăng nóng do “hoạt động sáp nhập” từ năm 1900
đến năm 1902 đã bị chặn đứng bởi “cuộc hoảng loạn của các đại gia”
năm 1903, nối tiếp ngay sau đó là đợt tăng giá “Roosevelt,” rồi
đến “cuộc hoảng loạn năm 1907,” và cuối cùng là đợt tăng giá “hồi
phục.” Kết quả là, chỉ số Dow Jones đã dập dềnh suốt một thập
kỷ rưỡi theo một đường lượn sóng không đồng đều giữa ngưỡng 50
và 100 mà không bứt phá theo một hướng nào rõ rệt.
Khi chiến tranh nổ ra, nền kinh tế Mỹ trải qua một đợt phát
triển bùng nổ còn lợi nhuận kinh doanh tăng trưởng ngoạn mục trong
vài năm liên tiếp do Mỹ đã trở thành nhà cung ứng vũ khí và tài
chính cho các nước Đồng minh. Song chẳng có mấy nhà đầu tư bị
thuyết phục rằng trận huyết chiến của châu Âu lại có thể tốt cho
các cổ phiếu trong dài hạn, và mặc dù lợi nhuận tăng đột biến, song
thị trường vẫn tương đối bình ổn. Đó quả là một suy nghĩ sáng suốt,
vì ngay khi nước Mỹ nhảy vào tham chiếm, tình trạng thiếu hụt lao
động bắt đầu hoành hành, thêm vào đó, các nỗ lực chiến tranh
tiêu tốn lượng hàng hoá nội địa khổng lồ, kéo theo đó là lợi nhuận
sụt giảm. Đến cuối năm 1920, chỉ số Dow Jones đứng ở mức 72,
gần như tại điểm nằm giữa biên độ dao động của nó trong hai mươi
năm vừa qua - mặc dù sau khi khấu trừ cả tỷ lệ lạm phát thời chiến
thì con số này chỉ bằng một nửa chỉ số năm 1913 tính theo giá trị
thực.