vào buổi sáng. Mua đi bán lại để lấy lời, ông sử dụng rất nhiều đòn
bẩy tài chính, bởi vậy mà danh mục đầu tư của ông cũng có thể bốc
hơi một cách nhanh chóng bất cứ lúc nào. Đầu năm 1923, ông chỉ
có khoảng 125.000 đô-la và dùng nó đầu tư vào thị trường ngoại
hối. Trong vòng năm năm sau đó, ông đã tăng gấp đôi tài sản của
mình, chủ yếu là nhờ buôn bán hàng hóa và ngoại tệ chứ không phải
chứng khoán.
Mặc dù nổi tiếng là người luôn báo trước được tai họa, đến đầu
năm 1928, quan điểm của ông về tương lai, được phản ánh trong
danh mục đầu tư của ông, lại có vẻ rất lạc quan dù không được rõ
nét cho lắm. Ông lảng tránh thị trường Mỹ, nhưng lại đầu tư rất
nhiều vào cổ phiếu của các công ty sản xuất ô tô Anh, điển hình là
Austin và Leyland. Tuy nhiên ông đánh cược nhiều nhất vào hàng
loạt cổ phiếu của các ngành nguyên vật liệu – đặc biệt là cao su,
ngoài ra còn có cả ngô, vải bông và thiếc – một chiến lược bị ảnh
hưởng nặng nề bởi quan niệm của ông về các chính sách của FED.
Ông nghĩ rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ, dưới sự điều hành của
Strong, đã làm được một việc lớn lao, một “thành tựu” như ông vẫn
gọi. Giấu mình đằng sau bức bình phong là giữ vững chế độ bản vị
vàng, FED đã xoay sở rất thành công để ổn định giá cả tại Mỹ, và
Keynes tin rằng có Strong định hướng, FED vẫn sẽ tiếp tục làm
được điều đó.
Nhưng tiếp trong năm 1928, các danh mục đầu tư của ông bắt
đầu giảm sút. Ông lỗ lớn vào tháng Tư khi giá cao su tụt xuống 50%
vì một cacten lớn của thế giới trong ngành này sụp đổ, buộc ông phải
thanh lý phần lớn cổ phiếu của mình để đáp ứng các yêu cầu về
lợi nhuận của các chủ nợ. Chính sách thắt chặt của FED đầu năm
1928 nhằm kìm bớt thị trường chứng khoán khiến Keynes rất ngạc
nhiên. Ông phản bác lại rằng suy cho cùng, giá cả ở Mỹ đang ổn định
và “chẳng có gì có thể gọi là lạm phát trong thời gian tới.” Vào tháng