ngân hàng Pháp, mà chẳng hề bận tâm rằng chính bản thân họ
cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi phải nghe những lời dạy bảo tương
tự từ nước ngoài.
Chẳng mấy chốc, người ta hiểu ra rằng nước Pháp bị thôi thúc
bởi không phải các lập luận về kinh tế mà là các toan tính chiến
lược. Các quan chức Pháp cố gắng tận dụng đòn bẩy tài chính của
họ hòng đạt được những sự nhượng bộ chính trị - với họ, có tiền
không phải là phần thưởng. Thậm chí Tổng Tư lệnh quân đội Pháp
cũng có dính líu đến chuyện này. Tướng Requin, một cố vấn cao
cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng André Maginot, đã viết cho tướng
Weygand, Tổng Tham mưu trưởng, nhấn mạnh rằng Pháp “có thể
dựa vào Anh khi mà đồng bảng đang nằm trong tay chúng ta.
Chúng ta có thể khiến cho họ hiểu… là nếu họ muốn chúng ta giúp
đỡ với tư cách là người cho vay, thì những yêu cầu khác phải được
đáp ứng trước nhất”.
Vào tháng Chín năm 1930, bất ngờ có thông báo là Moreau từ
chức. Điều này đã được đồn đoán ở Paris từ nhiều tháng trời,
nhưng với giới ngân hàng Anh, nó vẫn là một cú sốc lớn. Đầu tiên,
người ta nói rằng ông ta bị buộc phải làm thế do sức ép từ phía Anh
và rằng sự ra đi của ông là một dấu hiệu báo trước sự thay đổi trong
chính sách của Pháp.
Trên thực tế, là người đứng sau sự phục hồi của đồng franc, ông
được trao tặng Bắc Đẩu bội tinh hạng nhì (Grand Officier de la
Légion d’Honneur) và tự thấy rằng đã đến lúc ra đi. Ông chỉ đơn
thuần đi theo truyền thống lâu đời ở Pháp, nơi các quan chức cấp
cao, thường chỉ được trả lương thấp một cách khác thường theo các
chuẩn mực quốc tế, chuyển sang khu vực tư nhân để gom góp một
khoản tiết kiệm cho mình. Ông chấp nhận vị trí Phó Chủ tịch Ngân
hàng Paris và Hà Lan (Banque de Paris et Pays-Bas), ngân hàng nổi
bật nhất trong số các ngân hàng thương mại, một ngân hàng kiểu