Những chính sách trong thời kỳ giảm phát mà chính phủ áp đặt tại
Đức quả là rất khác lạ. Ở Mỹ, chính quyền Hoover cắt giảm thuế
và cho phép nới lỏng việc kiểm soát ngân sách; cụ thể là giảm từ mức
thặng dư ngân sách một tỷ đô-la của năm 1929 xuống đến mức
thâm hụt 2 tỷ đô-la trong năm 1931, tương đương khoảng 4% GDP.
Nước Anh có mức thâm hụt 600 triệu đô-la năm 1931, tương đương
2,5% GDP. Ngược lại, ở Đức, mặc dù nguồn thu giảm do các hoạt
động kinh tế bị ngưng trệ, chi tiêu còn bị cắt giảm mạnh hơn, mức
thâm hụt thật sự đã giảm từ mức khá khiêm tốn là 200 triệu đô-la
xuống còn có 100 triệu đô-la, ít hơn 1% GDP.
Brüning, người giờ đây được gọi là “Thủ tướng đói khát”, sau đó đã
tuyên bố rằng các biện pháp khắc khổ của ông được lập ra để
chứng tỏ với nước ngoài rằng nước Đức không còn trả được nợ
chiến tranh nữa, một sự lặp lại chính sách “áo vải thầy tu” đã từng
được áp dụng những năm 1920: giáng những đòn mạnh vào nền
kinh tế Đức đến nỗi các chủ nợ của nó buộc phải giảm bớt các đòi
hỏi của mình.
Các nhà phân tích lịch sử vẫn còn tranh luận liệu chính phủ Đức có
phương án nào khác thay thế hay không. Đến giữa năm 1930, hệ
thống cho vay trên toàn thế giới sụp đổ. Hơn nữa, Đức đã vay mượn
quá nhiều trong mấy năm kinh tế bùng nổ, đã lấy quá phần và
sống quá dư giả đến nỗi những lúc túng quẫn lại chẳng có tiền, nó
đã tự mình làm cạn kiệt các kênh tín dụng, các khoản vay cũng không
sẵn có nữa. Vấn đề còn bị làm trầm trọng thêm bởi một vài hậu
quả không tính trước được của Kế hoạch Young. Theo như Kế hoạch
Dawes trước đây, tại thời điểm khủng hoảng, các khoản nợ thương mại
sẽ được ưu tiên trước các khoản bồi thường chiến phí. Theo đó, các
chủ nợ công của nước Đức, chủ yếu là chính phủ Pháp, Bỉ và Anh,
phải xếp hàng sau cùng. Kế hoạch Young đã loại trừ điều khoản
“ưu tiên chuyển nợ”, điều mà Schacht cũng tình cờ cố gắng phản