có cả các tài sản ma bao gồm 142 triệu đô-la trái phiếu giả mạo của
chính phủ Ý. Thiệt hại của các nhà đầu tư được tính toán lên đến
400 triệu đô-la.
Bởi vậy mà các chủ nhà băng ngày càng bị coi là những kẻ ba que
xỏ lá. Đầu năm 1932, Ủy ban Ngân hàng và Tiền tệ của Thượng viện
bắt đầu các cuộc điều trần về nguyên nhân sự sụp đổ của thị
trường chứng khoán năm 1929. Được lập ra trước hết để xoa dịu
mong muốn của công chúng là đưa bằng được một kẻ nào đó ra để
chịu trận, các cuộc điều trần chẳng đạt được gì nhiều cho đến
tháng Ba năm 1933, khi một trợ lý công tố quận trẻ tuổi từ New York
City lên giữ chức trưởng văn phòng công tố. Công chúng ngay sau đó
bị thu hút bởi những câu chuyện truyền miệng về những trò lừa bịp
tài chính trong giới những người giàu có. Một trong số đó là Albert
Wiggins, chủ tịch tập đoàn Chase, người đã bán cổ phần của mình
trong ngân hàng khi bong bóng đang ở đỉnh điểm và thu về 4 triệu
đô-la lợi nhuận còn ngân hàng của ông thì sụp đổ trong suốt cuộc
khủng hoảng; Charles Mitchell, “Charlie vui vẻ” của National Bank
City đã cho các viên chức ngân hàng của mình vay 2,4 triệu đô-la mà
không có tài sản bảo đảm để giúp họ giữ cổ phần sau cuộc khủng
hoảng, chỉ 5% trong số đó được trả lại; Mitchell, mặc dù kiếm 1
triệu đô-la một năm, đã trốn hết các loại thuế thu nhập của liên
bang bằng cách bán cổ phần của mình trong ngân hàng cho các
thành viên trong gia đình với giá thấp không ngờ và sau đó mua lại
chúng; ngay cả J. P. Morgan cũng không trả một cent tiền thuế thu
nhập nào trong vòng ba năm từ 1929 đến 1931.
Tạp chí Nation đã viết: “Nếu ăn cắp 25 đô-la, bạn là tên trộm.
Nếu ăn cắp 250.000 đô-la, bạn là kẻ tham ô. Còn nếu ăn cắp
2.500.000 đô-la, bạn là một nhà tài phiệt.” Hiếm có nhà phê bình
nào lại chỉ trích sâu sắc và làm dấy lên sự bất mãn rộng rãi trong
công chúng như cha Charles Coughlin. Là người chăm sóc tinh thần