qua thành một chiếc tàu biển trên thang dây giữa lúc sóng to gió lớn.
Tuy nhiên, trong dịp này, khi chuẩn bị lên con tàu Duchess of York để
tới Canada, ông đã bày tỏ một thái độ cởi mở đến không ngờ. Với
năng lực nói năng tuyệt khéo được trời phú cho những con người
thuộc tầng lớp của ông và những người sinh ra ở nước Anh, ông
tuyên bố với các phóng viên đang vây kín trên cảng rằng, “Tôi cảm
thấy cần nghỉ ngơi chút ít bởi thời gian qua tôi đã gặp nhiều
chuyện căng thẳng. Do sức khỏe vẫn chưa được hồi phục hoàn toàn
nên tôi nghĩ một chuyến du lịch trên con tàu xinh đẹp này sẽ tốt
cho mình.”
Thể trạng tinh thần mong manh của ông đã không còn là một bí
mật trong giới tài chính suốt một thời gian khá dài. Chỉ một số ít
dân ngoại đạo biết được sự thật bên trong – rằng trong hai tuần
qua, khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã lên đến đỉnh điểm
và hệ thống ngân hàng châu Âu đứng trên bờ vực sụp đổ, vị thống
đốc này đã bị suy nhược thần kinh trầm trọng do phải hứng chịu
vô vàn áp lực nặng nề. Thông cáo báo chí của Ngân hàng Anh quốc,
được đăng tải ở khắp các tờ báo từ San Francisco cho tới Thượng
Hải, đã gây nên cú sốc lớn đối với nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Bao nhiêu năm đã trôi đi kể từ ngày những sự kiện trên diễn ra,
giờ đây thật khó để có thể hình dung nổi quyền lực và danh tiếng
của Montagu Norman lớn lao đến mức nào vào giai đoạn giữa hai
cuộc chiến tranh, cái tên của ông ngày nay chỉ còn vọng lại rất ít
tiếng vang. Nhưng vào thời đó, ông được coi là vị thống đốc ngân
hàng Trung ương có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất thế giới, nói
như tờ New York Times, là “vị chúa tể của [một] đế chế vô hình.”
Đối với Jean Monet, ông trùm của Liên minh châu Âu, Ngân hàng
Trung ương Anh quốc khi ấy là “thành trì của những thành trì” và
“Montagu Norman là người cai trị thành trì đó. Ông là người đáng
được kính nể.”