Trong suốt thập kỷ vừa qua, Norman và các thống đốc đứng
đầu ba ngân hàng Trung ương lớn khác đã là một phần của thứ
được báo chí phong là “câu lạc bộ độc nhất vô nhị trên thế giới.”
Norman, Benjamin Strong thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New
York (New York Feral Reserve Bank), Hjalmar Schacht thuộc Ngân
hàng Trung ương Đức (Reichsbank), và Émile Moreau thuộc Ngân
hàng Trung ương Pháp (Banque de France) đã hợp thành bộ tứ
thống đốc ngân hàng Trung ương đảm nhận sứ mệnh tái thiết
guồng máy tài chính thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Song đến giữa năm 1931, chỉ còn Norman là thành viên duy
nhất của bộ tứ trụ lại. Strong đã mất năm 1928 ở tuổi 55, Moreau
nghỉ hưu năm 1930, và Schacht từ chức năm 1930 do xung đột với bộ
máy chính phủ và quay sang ve vuốt Adolf Hitler và đảng Đức Quốc
xã. Do vậy trọng trách lãnh đạo thế giới tài chính đã được đặt trọn
lên vai người đàn ông Anh quốc tính tình màu mè nhưng bí ẩn này,
con người có nụ cười “tinh nghịch,” phong thái hư hư thực thực đầy
chất kịch, với bộ râu của Van Dyke , và trang phục kín đáo: chiếc
mũ rộng vành, tấm áo choàng dài, và chiếc kim cài cà vạt bằng
ngọc lục bảo lấp lánh.
Đối với vị thống đốc ngân hàng quyền lực nhất thế giới thì
việc bị suy nhược thần kinh trong khi nền kinh tế toàn cầu đang
phải trải qua năm thứ hai của một cuộc suy thoái chưa từng có tiền lệ
trước đó quả là một điều bất hạnh thật sự. Nền sản xuất ở hầu
hết các quốc gia đều đã sụp đổ - ở hai quốc gia bị thiệt hại nặng
nề nhất, Mỹ và Đức, quy mô sản xuất đã thu hẹp tới 40%. Các nhà
máy trên khắp thế giới công nghiệp - từ những xưởng lắp ráp ô tô
tại Detroit cho đến những xưởng thép ở Ruhr, từ những xưởng dệt
lụa ở Lyons cho đến những xưởng đóng tàu ở Tyneside - đều đóng
cửa, nếu không thì cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Đứng trước mức