dụng sự sợ hãi và chán nản cùng cực của dân thất nghiệp và chiêu
bài buộc tội tất cả những lực lượng khác – từ quân Đồng minh đến
những người cộng sản và dân Do Thái – vì đã gây ra bao đau khổ cho
nước Đức, đã giành được gần 6,5 triệu phiếu bầu, nhờ đó tăng số
ghế của đảng này trong Quốc hội Đức từ 12 lên 107 ghế và đưa nó
thành đảng phái lớn thứ hai góp mặt tại Quốc hội sau đảng Dân chủ
Xã hội. Trong khi đó trên các đường phố, các nhóm người theo đảng
Đức Quốc xã và các nhóm người cộng sản đụng độ, xô xát với nhau
hàng ngày. Còn ở Bồ Đào Nha, Brazil, Argentina, Peru và Tây Ban
Nha, đảo chính là tình trạng phổ biến.
Mối đe dọa kinh tế lớn nhất hiện nay đến từ hệ thống ngân
hàng đang sụp đổ. Tháng Chín năm 1930, Bank of United States (dù
mang tên như vậy song đây là một ngân hàng tư nhân không có vị
thế chính thức nào) sụp đổ, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn
nhất trong lịch sử nước Mỹ, làm đóng băng khoảng 200 triệu đô-la
trong các tài khoản tiền gửi. Tháng Năm năm 1931, ngân hàng lớn
nhất nước Áo, Creditanstalt, ngạc nhiên thay, chính là sở hữu của gia
tộc Rothschild, với giá trị tài sản lên tới 250 triệu đô-la, cũng đành
đóng cửa. Ngày 20 tháng Sáu, tổng thống Herbert Hoover công bố
lệnh tạm hoãn trả tất cả các khoản nợ và khoản bồi thường chiến
phí phát sinh từ cuộc chiến tranh vừa qua trong vòng một năm. Vào
tháng Bảy, Danatbank, ngân hàng lớn thứ ba ở Đức, gục ngã, gây
hoảng loạn trên toàn bộ hệ thống ngân hàng Đức và khiến dòng
vốn ào ạt rời bỏ đất nước này. Thủ tướng Đức, Heinrich Bruning,
bèn ra tuyên bố về ngày các ngân hàng đóng cửa, trong đó giới hạn
số tiền mỗi công dân Đức có thể rút khỏi tài khoản ngân hàng của
mình, và tạm ngừng thanh toán các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn.
Chỉ cuối tháng đó, khủng hoảng đã lan đến tận London, chủ nợ cực
lớn của Đức; giờ đây, London bàng hoàng nhận ra rằng việc thu nợ
lúc này đã trở thành bất khả thi. Đột nhiên phải đối mặt với một
cảnh huống chưa từng lường được trước đó rằng nước Anh sẽ không