cầu sụt giảm, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm giá thành sản
phẩm tới 25% tính từ thời điểm kinh tế bắt đầu suy thoái.
Những đội quân thất nghiệp vất vưởng khắp hang cùng ngõ
hẻm ở các thị trấn và thành phố của các nước công nghiệp. Tại Mỹ,
nền kinh tế lớn nhất thế giới, khoảng 8 triệu đàn ông và phụ nữ,
tương đương với 15% lực lượng lao động, đã mất việc làm. 2,5 triệu
người ở Anh và 5 triệu người ở Đức, hai nền kinh tế lớn thứ nhì và
thứ ba thế giới, cũng đành đứng vào hàng ngũ những người thất
nghiệp. Trong số bốn đầu tàu kinh tế lớn, chỉ có Pháp là có vẻ
được bảo vệ phần nào khỏi sự tàn phá từ cơn bão đang hoành hành
khắp thế giới, song đến giờ, ngay cả nền kinh tế này cũng đã
bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm.
Những tốp thanh niên và đàn ông thất nghiệp không có việc gì
để làm ngày ngày vật vờ ở khắp các góc phố, trong công viên, quán
bar và tiệm cà phê. Ngày càng có nhiều người rơi vào cảnh ăn không
ngồi rồi, do đó chẳng còn đủ tiền để trang trải cho một chỗ ở dù
khiêm tốn nhất, kết quả là những khu ổ chuột tồi tàn được xây
cất cẩu thả từ kiện đóng hàng, sắt vụn, thùng đựng dầu nhờn, vải
nhựa, và thậm chí cả vỏ xe hơi mọc lên nhan nhản ở các thành phố
như New York và Chicago – ngay giữa công viên Trung tâm cũng có
hẳn một khu trại như thế. Các khu nhà tạm tương tự cũng rải rác
khắp ngoại ô Berlin, Hamburg, và Dresden. Ở Mỹ, hàng triệu người
lang thang đã rời bỏ bầu không khí ảm đạm của nghèo đói đang bủa
vây các thành phố để lên đường hòng tìm kiếm việc làm.
Thất nghiệp dẫn đến bạo lực và nổi loạn. Ở Mỹ, những cuộc cướp
bóc lương thực, thực phẩm xảy ra như cơm bữa ở Arkansas,
Oklahoma, và khắp các bang ở miền Trung và Tây Nam. Ở Anh,
công nhân mỏ tổ chức biểu tình, rồi đến công nhân xưởng bông và
các thợ dệt. Berlin gần như rơi vào tình trạng nội chiến. Trong
suốt các cuộc bầu cử vào tháng Chín 1930, đảng Đức Quốc xã, lợi