hoảng tài chính bùng phát. Còn có một số điểm khác cũng giúp củng
cố thêm sức mạnh của ông. Đó là người ta tin rằng ông không chỉ
giàu, mà là cực giàu - phải tầm cỡ như gia tộc Rockerfeller hay nhà
Vanderbilt hoặc Andrew Canergie vậy - và với ánh mắt trừng trừng
dữ tợn đầy vẻ đe dọa cùng tính tình nóng nảy, ông có cái uy khiến
ai gặp cũng phải run bắn người, kể cả các cộng sự của ông. Song sau
này người ta mới vỡ lẽ rằng những lời đồn đại về gia sản của ông
đã bị thổi phồng thái quá, ông không giàu có như mọi người vẫn
tưởng - ông mất vào năm 1913, để lại khối tài sản trị giá có chừng
80 triệu đô-la theo thời giá ngày ấy. Nghe nói John D. Rockefeller,
ông trùm với gia tài lên đến 1 tỷ đô-la, khi biết tin này đã lắc đầu
và buông một câu, “Thế thì ông ta còn chẳng đáng được gọi là giàu
nữa kia.”
Morgan nhanh chóng tập hợp những nhà tư bản tài chính xuất
sắc nhất để hỗ trợ ông trong công cuộc cứu nguy thị trường tài
chính, ông bổ nhiệm Davison và Strong làm hai “phó tướng” cho
mình – họ thuộc đúng típ người trẻ mà ông rất ưa dùng: phong cách
thể thao, điển trai, quyết đoán, và tự tin. Vấn đề trước nhất mà
Davison và Strong tập trung xử lý là quyết định xem những ngân
hàng nào bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sẽ được giải cứu, còn
ngân hàng nào sẽ bị bỏ mặc cho phá sản. Vấn đề thứ hai, do
Morgan trực tiếp cầm trịch, đó là huy động tiền của cho cuộc giải
cứu. Đến đầu tháng Mười Một, mặc dù đã tự rút 3 triệu đô-la tiền
túi của mình ra, gây quỹ được thêm 8 triệu đô-la từ nguồn đóng góp
của nhiều ngân hàng khác nhau, nhận được cam kết của Bộ trưởng
Tài chính Mỹ sẽ cung cấp 25 triệu đô-la dưới dạng tiền gửi, và thậm
chí còn xoay xở để kiếm thêm được 10 triệu đô-la nữa từ John D.
Rockerfeller Cha, song Morgan vẫn không thể nào kiểm soát được
cơn hoảng loạn. Những người gửi tiền tiếp tục đổ đi rút tiền khỏi
tài khoản và một trong những công ty tín thác lớn nhất nước Mỹ, với
trên 100 triệu đô-la tiền gửi, đã mấp mé bờ vực phá sản.