thiếu nữ e lệ khi ấy mới mười tám tuổi, kém Strong tới mười bảy
tuổi, là ái nữ của ngài Edmund Converse, vị chủ tịch giàu có của
Bankers Trust, đồng thời là cộng sự lâu năm của Pierpont Morgan.
Henry Davison đứng ra làm phù rể, và đôi vợ chồng mới cưới chuyển
từ Englewood sang sống tại một căn nhà trong khuôn viên dinh thự
gia đình Converse tại Greenwich, Connecticut, để Katharine được
gần gũi cha mẹ.
Vài tháng sau, vào tháng Mười năm 1907, nước Mỹ rung chuyển
bởi một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Giống như mọi
lần trước, cuộc hoảng loạn mở đầu bằng sự sụp đổ của một vài tổ
chức đầu cơ lớn, nguyên nhân là do một số kẻ vô đạo đức âm mưu
lũng đoạn thị trường cổ phiếu của một công ty khai thác đồng. Kế
hoạch thất bại, và người ta đồn rằng một trong số những nhân
vật nói trên, chủ tịch của một ngân hàng có trụ sở tại Brooklyn, đã
mất trắng 50 triệu đô-la, phần lớn là tiền đi vay. Kết quả là một
làn sóng rút tiền gửi tại ngân hàng này bùng lên. Đến cuối tháng
Mười, nỗi sợ hãi đã lan tràn khắp thành phố và tình trạng rút tiền
ồ ạt tiếp tục tái diễn ở nhiều ngân hàng khác trên khắp New
York, trong đó có cả Knickerbocker Trust Company, ngân hàng lớn
thứ ba của thành phố.
Thời ấy nước Mỹ là cường quốc kinh tế duy nhất không có
ngân hàng Trung ương. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, nước
Mỹ đã bộc lộ một thái độ nước đôi kỳ quặc đối với vấn đề thành
lập ngân hàng Trung ương. Trong khi các nhà tư bản tài chính ở khu
vực East Coast, những người cho vay tiền, liên tục gây sức ép yêu
cầu chính phủ trao thẩm quyền kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc
gia cho một ngân hàng lớn duy nhất, thì cũng có không ít người lớn
tiếng bác bỏ ý kiến này, mà chủ yếu là các nông dân, những người
hay phải đi vay tiền nhất, họ cho rằng việc dồn quá nhiều
quyền lực vào tay một tổ chức duy nhất có gì đó rất không Mỹ và