Giờ này tại am đạo Tưởng hiện ra một quang cảnh tôn nghiêm: Trước sân
có bàn thờ, bày đồ lỗ bộ (khí giới chiến tranh thuở xưa), mượn từ trong đình
Long Phú, cách đó 400 mét. Gươm giáo sắp song song với bàn Thông
Thiên, xa trông uy vũ như của Nguyên soái. Bên cạnh thây của vợ chồng
ông Hiếm, nằm trên vũng máu đặc kẹo, trông dễ sợ.
Đứng oai vệ trước am, ông đạo Tưởng mặc toàn màu vàng, áo tay rộng,
đầu phủ bích cản (khăn xanh), lưng thắt dây, chân mang giầy bố vàng, có
đeo lòng thòng xâu chuỗi bồ đề… cùng với 60 tín đồ, cũng chung kiểu đồng
phục: Đầu trọc áo vàng, sắp thành ba hàng, làm lễ “ra quân”.
Xung quanh đồng bào đứng coi đông nghẹt như một trận đá banh. Dọc
theo kinh Vĩnh An, và bờ sông Tân Châu, thuyền ghe bổn đạo các nơi, giả
buôn bán, chở đồ tiếp tế như khoai lang, bí rợ, bắp… cập bến chờ giờ
hưởng ứng. Sau này được biết ngày đó, quận Tân Châu bị tín đồ đạo Tưởng
bao vây. Sau khi đại cuộc thất bại, họ ùn ùn rút lui. Nếu họ thành công, Tân
Châu sẽ phủ một màu tang tóc.
Lối 8 giờ sáng, ông Quận trưởng Nguyễn Văn Lễ, với cây súng “Mauser”
hộ thân, đi kèm có thơ ký Phan Văn Thặng (võ sĩ kiêm trọng tài đá banh).
Ngoài ra còn có tên Lafon, một số lính “gạc” (garde), độ 2 tiểu đội, với
súng trường theo đội hình chữ nhứt, tiến dọc theo bờ kinh Vĩnh An, vào tận
đường chùa. Cách am chừng 100 mét, ông Lễ cho dừng quân, bố trí và siết
chặt vòng vây.
Ông đạo Tưởng không hề nao núng trước áp lực của nhà cầm quyền Tân
Châu. Với võ khí thô sơ, các tín đồ cũng hiu hiu tự đắc. Họ quá tin tưởng ở
phép mầu nhiệm, nên với mớ võ khí thờ cúng trong đình đem ra, tưởng rằng
có thể hạ được quân Pháp dễ dàng. Khi hai bên còn cách nhau chừng 50
mét, ông quận Lễ bình tĩnh, dùng lời lẽ ôn hoà để xoa dịu tình thế và lòng
hiếu chiến của phe đạo Tưởng.
Trước hết, ông Lễ mời Ba Quốc tới giảng hoà, lời lẽ khiêm tốn:
- Nếu ông có điều gì bất bình và cần thiết, thì truyền lịnh cho tín đồ hạ
khí giới, giải tán, rồi cử người đại diện đến thiềm đường để dàn xếp ổn