tài khoản của vợ. Số tiền chung của vợ chồng bạn sẽ phải chi ra cho các mối quan hệ cơ bản
như: chi tiêu hàng ngày của hai vợ chồng, con cái, hỗ trợ bố mẹ hai bên, cưới hỏi, sinh nhật, lễ
tết... Nếu khả năng tài chính cho phép, hai người còn phải chia sẻ tài khoản cho cả anh em, họ
hàng nội ngoại.
Càng nhiều mối quan hệ phức tạp thì vấn đề chi tiêu càng cần phải được lên kế hoạch, bàn
định rõ ràng. Còn chần chờ gì nữa, bạn hãy chủ động phá vỡ bầu không khí im lặng để mọi
người hiểu bạn cần gì, bạn có thể làm được gì.
HÃY CHỦ ĐỘNG PHÁ VỠ BẦU KHÔNG KHÍ IM LẶNG.
QUY TẮC 22
BÀ VÀ MẸ, CON YÊU AI HƠN?
Đây là một câu hỏi không nên có trong các gia đình, nhưng trên thực tế, nó lại diễn ra quá
nhiều và quá thường xuyên. Việc xếp đặt thứ tự tình cảm giữa bà và mẹ trong lòng con cái là
một cách tranh giành tình cảm rất hay diễn ra trong gia đình nhà chồng. Bạn đã bao giờ cảm
thấy khó chịu khi con mình ôm chầm lấy bà nội và thủ thỉ “cháu yêu bà nhất trên đời”, trong
khi nếu điều này xảy ra với bà ngoại (tức mẹ đẻ của bạn) thì đây lại là niềm hạnh phúc vô bờ
bến?
Tôi có một người bạn đã từng là “nạn nhân” của việc tranh giành tình cảm giữa mẹ và bà nội
nên tôi hiểu rằng đây thực sự là một quy tắc không thể bỏ qua để bạn có thể ứng xử tốt hơn.
Hồi bạn tôi còn bé xíu, khi được bà nội đưa cho một cái kẹo và bảo thơm thật tình cảm vào
má bà, hỏi có yêu bà không, bạn tôi vừa cầm lấy kẹo vừa gật đầu lia lịa: “Có ạ, có ạ! Cháu yêu bà
nhất trên đời!” Bạn tôi đang cố kiễng chân để ghé môi sát vào má bà thì đột nhiên bị mẹ kéo
giật người lại. Người mẹ nhìn vào mắt con gái và nghiêm khắc hỏi: “Chỉ vì một cái kẹo mà con
yêu bà nhất trên đời, vậy thì bây giờ mẹ đứng thứ mấy trong lòng con?”
Bạn tôi bảo: “Mình nhớ rất rõ hình ảnh bà buồn bã đứng lên, quay lưng bước đi nặng nề như
thế nào. Mình biết bà rất buồn. Được cầm kẹo trong tay mà tự dưng mình muốn khóc. Càng lớn,
mình càng hiểu, tại sao lúc ấy mình khổ tâm đến thế. Mình yêu cả bà và mẹ, chưa bao giờ mình
có ý nghĩ phân định xem tình yêu dành cho người nào nhiều hơn.” Đối với một đứa trẻ thì câu
“cháu yêu bà nhất trên đời” cũng tương đương với câu “con yêu bố mẹ nhất trên đời”. Không
có người về nhì trong tình yêu của một đứa trẻ dành cho các thành viên trong gia đình.
Việc tranh giành ngôi thứ tình cảm trong lòng một đứa trẻ thực ra là điều không cần thiết,
thậm chí nó có thể đưa đến những kết quả tiêu cực. Dù bạn có mối bất hoà với mẹ chồng, dù
cuộc sống trong gia đình nhà chồng không được như mong muốn thì bạn cũng đừng nên làm
cho mọi việc trở nên phức tạp hơn bằng nỗ lực kéo con cái về “phe” mình. Điều duy nhất mà
bạn cần làm là để yên cho con bạn được quyền yêu thương mà không phải dè dặt, không phải
chọn lựa.
Tôi nói đến từ “dè dặt”, bởi từ sau kỷ niệm đáng quên kể trên, bạn tôi luôn phải thể hiện tình
cảm với bà nội một cách kín đáo để không làm mẹ giận dỗi. Cô luôn cảm thấy khó xử, còn mẹ
và bà nội thì càng ngày càng xa cách nhau. Đó thực sự là một điều phi lý, và chính nó đã thôi
thúc bạn tôi phải làm khác đi đối với con cái mình. Cô luôn khuyến khích con sà vào lòng bà
nội, đọc thơ, hát hò. Bạn tôi bảo: “Những lúc cháu hát câu “bà ơi bà cháu yêu bà lắm”, mắt mẹ
chồng mình rưng rưng. Mình rất thích được ngắm nhìn hình ảnh này, nó đưa đến niềm vui
tương tự như khi con mình quấn quýt bên bà ngoại.”
Bạn muốn về nhất trong các cuộc “bình bầu” tình cảm. Mẹ chồng bạn cũng không mong về
nhì! Vậy thì không nhất thiết phải tổ chức các cuộc bình bầu. Đừng hỏi “con yêu ai hơn”, hay
đừng ngắn cấm và kìm hãm tình yêu con trẻ nếu như bạn thật lòng cầu mong sự bình yên trong
tổ ấm của mình. Yêu thương bao nhiêu cũng chưa đủ nhưng chỉ một lần lỡ lời có thể làm đổ vỡ
tất cả.