PHẢI BIẾT TIỀN TỪ ĐÂU MÀ CÓ
Cô bạn tôi đã từng bị sốc khi phát hiện ra những đồng lương mà chồng đều đặn đưa về hàng
tháng có liên quan đến chuyện đề đóm. Sự việc vỡ lở khi đột nhiên người chồng tuyên bố cơ
quan nợ lương nhân viên, nghĩa là tháng đó cả gia đình sẽ phải trông hết vào khoản thu nhập
của cô bạn tôi. Nhìn vào thái độ của chồng, đoán biết có việc chẳng lành, cô bạn tôi ngấm ngầm
điều tra và tá hỏa khi phát hiện ra chồng mình say mê ghi đề hơn làm việc nhà nước. Tất nhiên,
không phải gia đình nào cũng lâm vào cảnh này, nhưng tôi biết có nhiều cặp vợ chồng không
quan tâm đến chuyện tiền từ đâu mà có. Sự thờ ơ này rất nguy hiểm cho vấn đề an ninh tài
chính và sự bền vững của gia đình.
Ngay từ quy tắc trước, khi các bạn chịu khó thống kê mức thu nhập hàng tháng của mình, các
bạn đã phải biết khoản thu nhập thêm từ đâu mà có. Nếu các bạn kiếm được tiền bằng chính
khả năng của mình thì kể cả khi có những biến động như công ty phá sản, chồng/vợ đau ốm thì
một người vẫn cứu vãn được tình thế.
Tôi nói từ “nếu” vì tôi biết có nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là những người mới bước vào hôn
nhân hồn nhiên lấy tiền của bố mẹ chồng/vợ để tiêu. Họ được bao cấp từ bé nên vẫn quen ỷ
vào các bậc phụ huynh, không cần lo lắng ngày mai sẽ sinh con đẻ cái thế nào, chi tiêu ra sao.
Những đồng tiền không do mình làm ra là những đồng tiền dễ phát sinh tiêu cực nhất hoặc chi
tiêu vô tội vạ vì không biết quý trọng nó. Hoặc đột nhiên các bạn mất nguồn viện trợ, vậy là các
bạn bị bỏ đói.
Tôi luôn phải đặt ra những tình huống xấu nhất để các bạn nắm được phần chủ động trong
vấn đề tiền bạc. Nếu đọc báo an ninh hàng ngày thì các bạn sẽ thấy việc biết đồng tiền từ đâu
mà có vô cùng quan trọng. Có người hôm nay ngồi trên xe hơi, nghỉ ở các phòng hạng sang,
ngày mai đã phải ê chề vì dính vào vòng lao lý. Vợ/chồng, con cái và cả những người thân của
họ không những đau đớn về mặt tinh thần mà cuộc sống vật chất cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Đồng tiền do vợ chồng bạn lao động chân chính rất khác với đồng tiền từ trên trời rơi xuống.
Bạn cần nắm vững quy tắc này để đảm bảo rằng những gì mà các bạn nắm trong tay là an toàn
và đáng tin cậy.
ĐỒNG TIỀN DO LAO ĐỘNG MÀ CÓ RẤT KHÁC VỚI ĐỒNG TIỀN DO BẠN NGỒI CHỜ “SUNG
RỤNG”.
QUY TẮC 41
THỐNG KÊ CHI TIẾT NHỮNG KHOẢN CHI CỦA TỪNG THÁNG
Có lần vợ chồng tôi ngồi nhẩm tính các khoản chi và giật mình vì thấy rằng chỉ với những
mục thiết yếu như điện, điện thoại, Internet, nước, gửi xe, học phí cho con, tiền ăn hàng ngày…,
chúng tôi đã phải bỏ ra một số tiền gần bằng lương hàng tháng của cả hai vợ chồng. Điều này
có nghĩa là tháng nào chúng tôi cũng có nguy cơ tiêu âm vào tiền lương, vì chưa tính đến
những mục đột xuất (mà thường tháng nào cũng có) như ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, thăm
người ốm, rồi người nhà ốm. Bình thường thì vẫn thấy…bình thường. Nhưng khi ngồi tính
toán, hai vợ chồng toát mồ hôi vì nếu cứ chi tiêu vô tư như vậy, chúng tôi sẽ chẳng có một
khoản tiết kiệm nào cho các mục tiêu dài hơi hoặc phòng khi sa cơ lỡ vận. Phải có một bản
thống kê chi tiết, rõ ràng để điều chỉnh thói quen mua sắm, đây là quyết định nhanh chóng
được chúng tôi bỏ phiếu tán thành.
Bản thống kê này thì làm được gì, nếu như chúng không in thêm tiền cho chúng ta? Rõ ràng là
chẳng có phép màu nào giúp cho một bản thống kê bình thường sinh lời được cả. Cái lợi mà nó
mang lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sắp đặt chuyện chi tiêu của vợ chồng bạn. Ví dụ như
các bạn có thể tìm cách giảm tiền ở các mục thiết yếu. Tắt bớt một cái bóng đèn, hạn chế các
cuộc “buôn dưa lê” qua điện thoại, bỏ thói quen lang thang hàng giờ vô bổ trên Internet… Ngay
trong tháng sau, chắc chắn mục “chi” của gia đình sẽ được hạ nhiệt từ từ.
Càng thống kê chi tiết thì chúng ta càng thấy rõ được những mục nào có thể giảm. Tôi còn