chi tiêu bình thường, những lúc cần chi tiêu bất thường, hai ông bà phải bàn bạc, thống nhất
rồi mới ra quyết định “mở két”. Bạn tôi bảo cô không quan trọng chuyện ai giữ tiền, nhưng cô
muốn đồng tiền của hai vợ chồng phải được quy về một mối để chủ động trong việc chi tiêu và
tiết kiệm.
Quy tiền về một mối, các bạn sẽ không phải băn khoăn về chuyện tiêu tiền anh, tiền tôi hay
tiền chúng ta. Một khi bạn giao cho người bạn đời những đồng tiền mà bạn kiếm được nghĩa là
bạn đã thể hiện sự tin tưởng vào họ. Tất nhiên, chẳng nên góp đến đồng tiền cuối cùng vào
ngân sách chung vì ai cũng có nhu cầu tiêu vặt hàng ngày.
Tay hòm chìa khóa giao vào tay ai phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sử dụng đồng tiền của
từng người. Thường thì các bà vợ được giao nhiệm vụ tay hòm chìa khoá. Họ là những người lo
việc chợ búa cơm nước nên họ cần được chủ động quyết định chuyện chi tiêu hàng ngày. Mỗi
khi cần chi một khoản tiền lớn thì họ sẽ phải bàn bạc với chồng. Phụ nữ Việt Nam thường có
tính chịu thương, chịu khó, chắt bóp, dành dụm nên phù hợp với nhiệm vụ này.
Tuy nhiên cũng có nhiều ngoại lệ. Hai vợ chồng cần phải hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhau
để khỏi phải lâm vào trường hợp khi cần đến tiền thì không còn một đồng nào cả. Bạn giao hết
tiền cho bạn đời, bạn yên tâm để mặc người ấy mua sắm cho đến lúc bạn cần một ít tiền để đi
công tác và bạn nhận được thông báo rằng nhà chẳng còn dư đồng nào cả!
THẬT KHÓ KHĂN CHO NHỮNG CẶP VỢ CHỒNG LUÔN PHẢI ĐẶT RA CÂU HỎI TIÊU TIỀN
CỦA ANH HAY TIÊU TIỀN CỦA TÔI.
QUY TẮC 44
CHỈ MUA SẮM ĐỒ ĐẠC TRONG GIA ĐÌNH KHI ĐÃ CÓ SỰ THỐNG NHẤT
Một chị bạn của tôi tỏ ra thờ ơ với việc về nhà mới. Tôi rất ngạc nhiên vì chính chị đã từng
khoe với mọi người về việc chọn được căn nhà ở vị trí đẹp nhất nhì thành phố. Chỉ khi đến
mừng tân gia nhà chị, tôi mới hiểu được nguyên nhân của sự thờ ơ này. Chồng chị đã tự ý mua
sắm các đồ gỗ ở trong nhà mà không cần quan tâm đến sở thích của vợ.
Tôi đã nghe rất nhiều người phàn nàn về chuyện mua sắm vô tội vạ của bạn đời. “Nhà mình
chật thế nào thì đến người ngoài cũng biết! Thế mà cô ấy khuân về cả một cái giường mát xa,
không còn chỗ cho con cái đi lại nữa!”, anh bạn tôi hậm hực kể. Tất cả những nỗi bực bội này
cũng chỉ vì chuyện không có sự bàn bạc thống nhất giữa hai vợ chồng mà ra.
Bạn cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh phải đứng trước một món đồ không ưng ý mà chồng/vợ
bạn vừa mua về xem. Bạn không thích cái sản phẩm kia vì nó không phù hợp với căn phòng của
các bạn. Cũng có thể vì bạn thấy nó quá đắt. Càng nhìn nó bạn càng cảm thấy bất bình vì đã
không được chồng/vợ hỏi ý kiến trước khi mua về.
Tôi biết rằng những người tự ý mua đồ về nhà thực ra không phải vì họ coi thường người bạn
đời mà chỉ vì họ muốn tạo ra những bất ngờ ngọt ngào. Nhưng thay vì câu mà họ muốn nghe
“Ôi cái lọ hoa anh/em mua ở đâu mà độc đáo vậy?”, thì họ lại nhận được gáo nước lạnh “Lại lọ
hoa! Anh/em không nhìn thấy là trên tủ của mình chất đống những lọ hoa không dùng đến rồi
à?” Thực ra trong những trường hợp như thế này thì cả hai bên đều cảm thấy không thoải mái.
Việc đi đổi một món đồ thường không dễ nên tốt nhất là chúng ta cẩn thận bàn luận với nhau,
mất thời gian còn hơn là chịu hậu quả về lâu dài. Có người nói với tôi rằng, cứ mỗi lần đi qua
bộ bàn ghế mà chồng mua về, cô lại muốn dùng chân đá vào chúng một cái cho bõ tức. Cô
không thích chúng nhưng khả năng tài chính không cho phép cô vứt chúng đi như vứt những
món đồ vô giá trị.
Vật dụng càng có giá trị thì vợ chồng bạn càng phải bàn bạc, thống nhất, kẻo rồi lại hắt hủi
chúng như những vị khách không mời mà đến, đến rồi...không đi đâu nữa.
ĐỪNG TỰ Ý MUA ĐỒ NẾU BẠN KHÔNG MUỐN NHÌN THẤY SỰ BỰC BỘI CỦA NGƯỜI BẠN
ĐỜI.