bạn không phải là những bậc bề trên xa lạ. Các bạn không muốn bị sếp mắng mỏ như thế nào
thì con cái các bạn cũng có ý muốn tương tự về thái độ của bố mẹ trước lỗi lầm mà cháu mắc
phải. Lỗi đã xảy ra rồi, la mắng chỉ là một cách để bạn trút bớt sự bực dọc, nhưng nó có thể kéo
theo những hệ lụy về sau.
Thứ nhất, con sợ bố mẹ, lần sau sẽ đối phó bằng cách nói dối hoặc lấp liếm sự việc.
Thứ hai, con cảm thấy không được tha thứ, không được tin tưởng, không muốn cởi mở tâm
sự với bố mẹ như trước nữa.
Thứ ba, thói quen la mắng của bố mẹ sẽ nhiễm vào con cái. Con tôi là một ví dụ đau buồn về
chuyện này. Khi tôi sinh cháu thứ hai, tôi bị stress khá nặng. Tôi không thể kiềm chế được sự
tức giận của mình và thường giải tỏa bằng cách la hét om sòm. Chẳng bao lâu sau, tôi nhìn thấy
rất rõ hình ảnh giận dữ xấu xí của mình trong cách mà cô con gái lớn của tôi mắng mỏ những
con búp bê. Rồi cháu quay sang cáu gắt tất cả mọi người khi có điều không vừa ý.
Các bạn thấy đấy, la mắng phỏng có ích gì. Sẽ không bao giờ là muộn cả nếu vợ chồng bạn cố
gắng kiềm chế sự tức giận và học cách nói chuyện với con như một người bạn, một người
hướng dẫn đáng tin cậy. Tôi nhấn mạnh từ “học”, bởi vì tôi hiểu rằng đây thực sự là một quá
trình dài lâu, cần đến sự quyết tâm và kiên trì của các bạn.
CHẲNG CÓ ĐỨA TRẺ NÀO THÍCH SỐNG VỚI NHỮNG BẬC PHỤ HUYNH SUỐT NGÀY QUÁT
THÁO ẦM Ĩ CẢ.
QUY TẮC 79
ĐỪNG CỐ GẮNG ĐỂ CÓ MỘT ĐỨA CON HOÀN HẢO
Vợ chồng bạn kỳ vọng gì ở một đứa con sắp chào đời? Xinh đẹp, khoẻ mạnh, thông minh,
ngoan ngoãn, chăm chỉ,… Thật khó mà liệt kê hết được những mong muốn của chúng ta về thế
hệ tương lai. Vợ chồng tôi suốt ngày nghĩ ra những cái tên thật đẹp cho cô con gái sắp chào
đời. Ngày đầu tiên nhìn thấy cháu, cả hai đều thoáng thất vọng khi con gái chúng tôi da đen,
mũi tẹt, mắt một mí! Cháu giống bố mẹ khủng khiếp, vậy mà chúng tôi vẫn bị hụt hẫng, chỉ vì
chúng tôi hi vọng rằng con gái sẽ hoàn hảo như một bức tranh do chúng tôi tưởng tượng ra.
Càng lớn, chúng ta càng nhận ra mình đầy những khiếm khuyết. Vậy thì con cái chúng ta cũng
có quyền lớn lên với những khiếm khuyết của các cháu chứ! Một chị bạn của tôi than thở rằng
chả bao giờ thấy hai cô con gái cãi nhau cả. Trong khi đấy là niềm mong ước của biết bao ông
bố bà mẹ khác.
Sự hoàn hảo thật rộng lớn, vô cùng, và mơ hồ. Các bạn mong ước con mình bớt nghịch ngợm
đi một tí, chăm chỉ thêm một tẹo. Trong khi những người khác lại mong con mình đừng…
ngoan quá, suốt ngày cháu chúi mũi vào sách vở trông rất tẻ nhạt. Chúng ta không ngừng vẽ ra
những bức tranh mong ước về con mình, và thực tế thì chúng ta thường bị thất vọng theo cái
cách mà vợ chồng tôi đã từng cảm thấy khi lần đầu tiên nhìn mặt cô con gái đầu lòng.
Cố gắng để có một đứa con hoàn hảo là chúng ta đang tạo ra áp lực cho bản thân và cho con
cái chúng ta. Những người thần tượng một nhân vật nào đấy thường bị vỡ mộng khi hiểu hơn
về thần tượng, bởi vì thực tế chẳng có ai hoàn hảo cả.
Tôi rất thích những cặp vợ chồng để con phát triển theo tính cách của cháu. Họ không cố
nhét con gái vào lớp múa khi cháu chỉ thích học võ. Họ không bị stress với những lời nhận xét
về cậu con trai chẳng bao giờ có được điểm vở sạch chữ đẹp cả. Họ biết những điểm mạnh và
điểm yếu của con mình. Và họ chấp nhận nó cũng như chấp nhận những quy luật tự nhiên vậy.
Con cái của những ông bố bà mẹ như thế thường lớn lên với một sự hồn nhiên, tự tin đáng nể,
dù các cháu chẳng phải là những người hoàn hảo.
ĐỪNG TỰ TẠO RA ÁP LỰC CHO BẢN THÂN VÀ CHO CON CÁI CHỈ VÌ MONG MUỐN CÓ MỘT
ĐỨA CON HOÀN HẢO.