ăn vạ. Đã quen với việc nuôi dạy cháu lớn nên chúng tôi bị động trước tình huống này. Cuối
cùng, hai vợ chồng tôi phải tìm cách khác. Không thể chiều theo mọi ý thích của con, nhưng
nếu cứ đứng nhìn cháu khóc lóc thì dễ bị ức chế. Chúng tôi thoả thuận với nhau là phải tìm việc
khác để làm, chờ khi con trẻ nguôi ngoai rồi mới ngồi lại để xử lý tình huống.
Sở dĩ có từ “tính cách” là để chúng ta phân biệt người này với người khác. Tính cách là những
dấu hiệu riêng biệt ở từng đứa con, mỗi cặp vợ chồng cần nhìn nhận đúng tính cách của con thì
mới có những phương pháp nuôi dạy phù hợp. Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em.
Mỗi lần sum họp gia đình, bố mẹ tôi vẫn thường kể lại kỉ niệm về từng đứa con.
Tám anh em tôi là tám tính cách khác hẳn nhau. Bố mẹ tôi giao cho anh cả toàn quyền trong
việc thúc giục các em học hành, vì anh cả là người chăm học, có chí tiến thủ. Anh thứ hai được
giao nhiệm vụ bếp núc, cho các em ăn uống, bởi vì anh khéo tay như con gái. Anh thứ ba
thường gánh những công việc cần đến sức khoẻ vì nếu không để anh làm việc thì anh chỉ giỏi…
đi đánh nhau. Điều tôi muốn nói ở đây là, bố mẹ tôi đã nhìn ra tính cách của từng người để có
từng cách nuôi dạy khác nhau.
Ngày nay, mỗi gia đình ở Việt Nam chỉ có từ một đến hai con, nhưng không có nghĩa là những
khó khăn trong việc nuôi dạy con ít đi. Vợ chồng bạn cần phải hiểu tính cách của mỗi đứa con
để áp dụng các quy tắc nuôi dạy phù hợp.
THÊM MỘT ĐỨA TRẺ LÀ PHẢI NGHĨ THÊM MỘT CÁCH NUÔI DẠY PHÙ HỢP.
QUY TẮC 76
GIẢM BỚT ÁP LỰC CHO CON
Các bạn có nhận thấy rằng càng ngày lũ trẻ càng ít có thời gian chơi đùa không? Ngày xưa ba
tháng hè là 90 ngày chúng ta được thoả thích vui chơi, còn giờ đây con cái chúng ta hầu như
không có khái niệm nghỉ hè. Học chính, học phụ, học thêm, học năng khiếu…, đủ thứ học đè lên
vai con cái chúng ta, kèm theo đó là đủ thứ lo lắng về chuyện thi cử khiến các con không có
nhiều thì giờ để vui chơi nữa. Thay vì suốt ngày thúc giục các cháu chúi mũi vào chuyện học
hành, những bậc phụ huynh thông thái có thể tìm cách giảm bớt áp lực cho con, bởi vì không
cần chúng ta thúc giục thì các cháu cũng gặp phải quá nhiều áp lực rồi.
Vừa mới đây, cô bạn đồng nghiệp của tôi đến cơ quan với một tâm trạng rối bời. Hỏi ra mới
biết cô vừa bị cô giáo triệu tập vì con gái viết chữ xấu. Đối với vợ chồng bạn tôi, đây là một sự
kiện đáng xấu hổ bởi vì con gái họ luôn đứng đầu lớp về mọi phương diện. Cô con gái mới học
lớp 3 cũng gần như mất ăn mất ngủ vì phụ lòng tin của bố mẹ, suốt ngày ngồi cặm cụi viết 100
dòng chữ để “chuộc tội”.
Cô bé thật đáng thương, bởi vì hết cô giáo tới bố mẹ dồn áp lực lên việc học hành vốn đã quá
vất vả đối với cháu. Điểm số cao là mong muốn của tất cả mọi người, nhưng có đáng không khi
bạn tạo thêm lo lắng cho con trẻ mỗi lúc cháu bị điểm kém? Tự các cháu cũng biết là các cháu
cần phải làm gì. Điều mà các bậc cha mẹ nên làm trong trường hợp này là động viên con cố
gắng vào lần tới. Viết chữ xấu không phải là một bi kịch. Nó không ảnh hưởng đến tư duy của
con, không ảnh hưởng đến tương lai của con. Điều quan trọng là con đã cố gắng hết sức mình.
Ở quê tôi có một cây cầu bắc qua con sông rộng nối liền hai tỉnh. Sau mỗi lần thông báo kết
quả thi đại học, tại cây cầu này năm nào cũng có một vài học sinh nhảy xuống tự vẫn. Tôi
không quen biết ai trong số những học sinh xấu số ấy, nhưng tôi biết các cháu là những người
bị quá nhiều áp lực, phải dồn đến đường cùng. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp thi trượt đại
học thì tự giam mình trong bốn bức tường. Không biết các bạn nghĩ thế nào về những trường
hợp này? Mong rằng các bạn cũng như vợ chồng tôi, luôn tìm cách giảm bớt áp lực cho con
trước khi quá muộn để phải cắn rứt và ân hận.
KHÔNG CẦN CHÚNG TA THÚC GIỤC THÌ CON TRẺ CŨNG PHẢI CHỊU NHIỀU ÁP LỰC RỒI.
QUY TẮC 77