với con cái. Từ đó, cả hai vợ chồng tôi đều tránh chạm đến những từ có ý nghĩa so sánh khi nói
về các con. Thay vì nói “Bố/mẹ yêu con nhất” thì chỉ nên nói “Bố/mẹ yêu con vô cùng!”
Tôi nhớ nhiều đến chi tiết giải quyết xung đột trong cuốn tiểu thuyết kể trên, bởi vì người
mẹ đã nói một từ rất hay: con tôi. Dù chúng ta có sinh hai cháu hay mười cháu đi nữa thì tất cả
đều là con chúng ta. Nhiều cặp vợ chồng vẫn thường giải quyết xung đột giữa các con bằng
cách phạt cháu lớn hơn, hoặc phạt cháu nhiều lỗi hơn. Nhưng người mẹ trong câu chuyện kể
trên chẳng cần phạt ai cả. Cô chỉ nói “đừng đánh con tôi!”. Các con của cô cũng thôi đánh nhau,
vì các cháu hiểu các cháu đều cùng một mẹ. Tình yêu mà người mẹ dành cho các con là vô
cùng, không có sự so sánh, không có thiên vị. Với một người mẹ như thế thì không đứa con nào
cảm thấy bị thua thiệt cả.
ĐỪNG ĐỂ CON CÁI CẢM THẤY BỊ THUA THIỆT CHỈ VÌ SỰ THIÊN VỊ CỦA BỐ MẸ.
QUY TẮC 74
HÃY ĐẤU TRANH CHO CON
Để bắt đầu quy tắc này, tôi xin lưu ý với các bạn rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng cần
phải can thiệp vào các mối quan hệ của con. Tôi rất sợ những ông bố, bà mẹ sẵn sàng lăn xả
vào chửi mắng hoặc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người khác khi người ấy có liên quan
đến tiếng khóc của con họ. Trong rất nhiều trường hợp, con cái chúng ta có thể tự xoay xở
được. Các bậc cha mẹ chỉ nên xuất hiện khi cảm thấy mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát của
con trẻ.
Tôi còn nhớ kỉ niệm thời đi học khiến tôi đau đớn suốt một thời gian dài. Lần ấy, cô giáo chủ
nhiệm có bảo học sinh viết vài dòng góp ý về thầy cô nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ngay hôm sau, tôi và một số bạn bị cô giáo dạy văn gọi đứng dậy. Suốt gần hai tiếng đồng hồ,
chúng tôi phải đứng chịu trận để nghe cô chỉ trích vì đã có những nhận xét không tốt về cô.
Thậm chí có bạn bị một cái tát vì dám nói những lời phê phán. Không khí nặng nề kéo dài cả
mấy ngày sau đó. Tôi không muốn đi học, cũng không tiết lộ lý do cho bố mẹ biết vì tôi thường
tự giải quyết mọi việc. Chỉ đến khi phụ huynh của bạn bị cô giáo tát đến tận phòng hiệu trưởng
phản ánh toàn bộ sự việc thì tất cả mới vỡ lở.
Nhà trường đã phải ra quyết định kiểm điểm cô giáo dạy văn vì những hành vi phản giáo dục
đối với học trò. Bố mẹ tôi lúc này mới biết chuyện, họ ngạc nhiên hỏi tôi tại sao lại giấu một
chuyện khủng khiếp như thế. Tôi đã oà khóc vì thấy rằng thực ra mình cũng cần được che chở
biết bao nhiêu. Mấy ngày im lặng là mấy ngày tôi sống trong sự hoang mang, hoảng loạn.
Tôi buộc lòng phải kể lại câu chuyện này vì tôi muốn các bạn hãy nhớ lại thời thơ ấu của
mình. Nhớ lại những lúc chúng ta bị o ép, chúng ta bị thua thiệt, chúng ta cần được bảo vệ…
nhớ lại để hiểu rằng con cái cũng đang đi trên con đường mà ngày xưa chúng ta đã từng đi. Sẽ
rất tốt nếu như con cái chúng ta luôn cảm thấy yên tâm vì có bố mẹ là cái bóng che chở, nâng
đỡ trên mỗi bước đi về phía trước. Hãy đấu tranh cho con, trong trường hợp cần phải giành lại
sự công bằng.
HÃY ĐẤU TRANH CHO CON KHI MỌI VIỆC NẰM NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT CỦA CON TRẺ.
QUY TẮC 75
NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC NHAU CẦN CÓ CÁCH NUÔI DẠY KHÁC NHAU
Vợ chồng tôi từng nghĩ rằng chúng tôi sẽ rất nhàn khi sinh cháu thứ hai, vì chúng tôi đã có
nhiều kinh nghiệm nuôi dạy cháu đầu. Chẳng bao lâu, chúng tôi phải công nhận với nhau rằng,
thêm một đứa trẻ là phải nghĩ thêm một cách nuôi dạy khác. Chẳng có đứa con nào giống đứa
con nào, dù đều cùng một bố mẹ sinh ra.
Với con gái đầu, vợ chồng tôi có thể dùng những lời giải thích để giúp cháu nhanh chóng hiểu
ra vấn đề. Nhưng khi áp dụng cách này với cháu thứ hai, chúng tôi gần như thất bại. Cháu
không sẵn sàng để nghe những lời giải thích! Khi không vừa ý, cháu thường ngã lăn ra đất để