Như vậy, có phải là tốt đẹp khi con người “cộng thêm” cái gì đó có
thể lần hồi tự tách mình ra khỏi cái tánh ích kỷ thuần túy để có được một ý
thức tinh thần và một sự sáng suốt cho phép anh ta hiểu rõ mình hơn và biết
cách thương yêu không?
Bởi vì, ngược lại, tâm phân học cho phép con người thấy rõ con
người mình đúng như thế đó, với tất cả những tính tốt cùng tật xấu.
Biết rõ con người mình mà mình không được khinh bỉ. Đơn giản là
chỉ nhận biết mà thôi. Có phải là hay hơn khi tự biết rõ con người mình
dưới mọi góc cạnh, dù cho nó là như thế nào đi nữa, biết rõ những thứ mình
cần sử dụng để loại bỏ thú tính không?
Tâm phân học không chỉ quan tâm đến những người bệnh, mà còn
hơn thế nhiều! Đó là một phương pháp cho sự sáng suốt; nó chỉ làm chướng
mắt những tâm hồn sợ nhìn thấy bản chất thú tính của con người, và
(thường khi là sợ) từ chối việc hợp nhất nó với bản chất tinh thần của con
người. Đương nhiên rồi… và như Galilée, tâm phân học đánh một đòn
thẳng vào tính kiêu căng (mà chính điều này lại xuất phát từ sự không hiểu
biết và nỗi sợ hãi)… Nhưng một khi hiểu rõ nó rồi, người ta mới nhận thấy
nó phơi bày một cách sáng ngời nhiều sự kiện tâm lý. Cho đến một ngày
nào đó, một khi tách được khỏi sự phóng đại và ngạo mạn, nó sẽ dẫn đến cái
mà nó phải là: một môn khoa học trong sáng, để hợp cùng các môn triết học
nổi tiếng khác.
SỰ GIẢI TỎA
Giải tỏa là khi một chủ thể tự giải thoát ra khỏi một ức chế bằng
cách cho nó thể hiện ra bên ngoài. Thí dụ: thổ lộ một bí mật quan trọng là
một giải tỏa đơn giản, một “xú páp” của cảm tính. Người đó sẽ nói “Cái bí
mật này đang bóp nghẹt tôi; nói nó ra tôi cảm thấy đỡ rất nhiều.”
Chúng ta biết các dồn nén thường tạo ra nhiều triệu chứng rất khó
chịu. Tuy nhiên, đôi khi các dồn nén đó lại ẩn núp sau một cách ứng xử rất
bình thường.