Sẽ không có vấn đề nếu chủ thể chấp thuận, hiểu biết các phương
pháp được sử dụng và mục đích muốn đạt tới. Đương nhiên đây là trường
hợp người ta sử dụng phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê như
liệu pháp tâm lý mà mục đích duy nhất là trị bệnh.
Vì vậy trong ngành pháp y, việc áp dụng phương pháp phân tách tâm
lý học nhờ gây mê tùy thuộc vào hoàn cảnh. Một mặt nó cho phép giải oan
một người vô tội bị tình nghi. Nhưng mặt khác, nó có thể bắt tội một tên
cướp nói dối! Tên cướp đó có quyền nói dối hay không? Chúng ta lại rơi
vào trường hợp của quyền tự do tư tưởng. Và chúng ta cũng nên nhớ trong
Vụ án Nuremberg, Rudolf Hess không chấp nhận phương pháp phân tách
tâm lý học nhờ gây mê. Sự từ chối của ông ta được tôn trọng cũng như việc
ông ta có toàn quyền tự bào chữa như thế nào tùy thích.
Phương pháp phân tách tâm lý học nhờ gây mê cũng cho phép khám
phá sự giả vờ. Ở đây cũng thế, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong ngành
Công lý quân sự, việc giả vờ bệnh bị phạt rất nặng nhất là trong thời chiến.
Vấn đề vẫn đang bỏ ngỏ… Một quân nhân có quyền giả vờ không? Sự giả
vờ đó có thuộc quyền tự do con người không? Về mặt đạo lý, Công Lý (của
quân đội hay khác) có quyền truy tìm sự giả vờ bằng cách nào khác hơn là
việc người chống lại người đó không?… Hoặc nó có thể thực hiện việc đó
bằng hóa chất để loại bỏ ý chí của kẻ giả vờ giả định không?
Những nhà đạo đức học có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề này,
cũng bao la như lương tâm con người.
Trị liệu pháp tâm lý áp dụng cho từng nhóm
Cho đến lúc này, tôi chỉ đề cập đến những trị liệu pháp tâm lý “cá
nhân”, có nghĩa là được thực hiện với một người mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi
phương pháp này có một trở ngại: chủ thể không thể nào nghĩ rằng mình
không hề bị cô lập với cộng đồng. Anh ta luôn quả quyết trường hợp của
mình là duy nhất và không có người nào khác bị giống như vậy. Nói cho
ngắn gọn, anh ta cảm thấy bị tách ra khỏi xã hội, và xã hội (anh ta có tin
chăng) cũng chống lại anh ta.