giá vàng tăng cao. Cũng có thể chỉ số CPI và giá vàng ngẫu nhiên
cùng tăng trong thời kỳ mà vị nhà báo kia trích dẫn. Ở đây, lập luận
của nhà báo kia đã loại bỏ những khả năng khác dẫn đến kết luận.
Nguyên tắc #3: Các ngụy biện không nằm dưới những dạng đơn
giản
Như đã nêu trên, ngụy biện cơ bản là một lập luận và rất nhiều
những lập luận không thể hiện dưới những hình thái đơn giản như các
ví dụ mà tôi nêu ra ở trên. Phần lớn thời gian, chúng ta đưa ra vô số
lập luận dưới rất nhiều hình thái cấu trúc khác nhau. Chẳng hạn
nhiều bậc phụ huynh muốn con cái chăm chỉ học hành đã “dọa”
con trẻ như sau: “Lo học hành đi không thì ra bãi giữ xe bây giờ.” Câu
nói đó chính là một lập luận dù rằng các con của họ sẽ tập trung vào
tính chất “dọa nạt” của phát biểu nhiều hơn mặt logic của nó. Thực
tế, phát biểu đó là một lập luận (phải gọi nó là ngụy biện thì đúng
hơn), và chúng ta có thể viết lại nó dưới hình thái suy luận như bên
dưới.
Hình thái thông thường:
Lo học hành đi không thì ra bãi giữ xe bây giờ
Hình thái lập luận:
Lo học hành thì không ra bãi giữ xe (A thì không B).
Do đó, không lo học hành thì ra bãi giữ xe (Do đó, không A thì B).
Vì chính bản thân lập luận đã khó phát hiện, các ngụy biện ẩn
trong những phát biểu mơ hồ khó hiểu và đầy cạm bẫy càng khó bị
phát hiện hơn. Điểm cần ghi nhớ ở đây là nếu muốn phát hiện ra
các ngụy biện, bạn phải liên tục suy nghĩ về mối quan hệ nhân - quả