Tên sách không có ý mỉa mai, cũng không có vẻ hài hước, châm biếm,
mà vang lên âm điệu bi thảm. Gorky kể cho chúng ta ông đã trải qua
“trường đại học đường đời” gian khổ như thế nào khi còn là một thanh
niên. Ngôi trường với những con người có tư chất tinh thần, tâm lí khác
nhau một cách kì lạ, có những quan điểm về con người, xã hội, nhà nước…
nhiều khi trái ngược hoàn toàn.
Chàng thanh niên Peskov khao khát những kiến thức sâu rộng, muốn lĩnh
hội chúng một cách có hệ thống, nhưng thực tế phũ phàng đem lại cho trí
tuệ ham hiểu biết nhưng còn chưa vững vàng của anh một mớ hỗn độn
những ấn tượng, những quan niệm. Nhiều lần Peskov phải băn khoăn thắc
mắc sau những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Anh phải nghĩ nát óc để tự tìm ra lời
giải đáp.
Mỗi người Peskov tiếp xúc trong thời kì ở “những trường đại học” đều
đem lại cho anh, khi tích cực, khi thụ động, một bài học đường đời bổ ích.
Peskov luôn luôn tìm kiếm, trông chờ ở họ những lời giải đáp cho bao câu
hỏi quay cuồng trong đầu óc anh. Chính vì vậy, anh đã gần gũi mọi người,
nghe ngóng, quan sát họ. Đấy cũng là lí do vì sao ở Những trường đại học
của tôi, khác với Thời thơ ấu và Kiếm sống, hầu như hoàn toàn không miêu
tả đời sống hằng ngày.
Nhân vật chính của cuốn sách là chàng thanh niên Peskov, nhưng nội
dung chính lại xoay quanh những con người mà Peskov tiếp xúc, thế giới
nội tâm và thái độ của họ với hiện thực. Peskov không đặt “cái tôi” của
mình vào trung tâm của cuộc sống xung quanh. Vấn đề làm anh băn khoăn,
lo lắng nhất là làm thế nào để trở thành một người thực sự có ích cho nhân
dân mình.
Peskov đã trải qua “những trường đại học đường đời” vào lúc tình hình
chính trị nước Nga những năm 80 của thế kỉ XIX vô cùng phức tạp, bắt đầu
sau thất bại của phong trào cách mạng dân túy. Vào thời kì này, trong một
thời gian nhất định nào đấy, chủ nghĩa Tolstoy trở nên thịnh hành. Một số
trí thức dân chủ đã bắt đầu tuyên truyền học thuyết Tolstoỵ.