hiện quá rõ ràng; nhưng, so với nhiều nơi, quả thực đó là những ân phúc.
Chính những nhân tố này đã dẫn đến việc người châu Âu kiến tạo nên các
quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên, dẫn đến việc họ trở thành những dân tộc
đầu tiên tiến hành chiến tranh trên quy mô công nghiệp.
Nếu nhìn cả châu Âu liền một dải, chúng ta sẽ thấy núi, sông và thung
lũng, chúng giải thích lý do tại sao có rất nhiều quốc gia dân tộc trong khu
vực. Không giống như Hoa Kỳ, nơi một ngôn ngữ và một văn hóa chủ đạo
không ngừng bành trướng một cách nhanh chóng và dữ dội về phía tây, tạo
thành một quốc gia khổng lồ, trong khi châu Âu phát triển hữu cơ qua hàng
nghìn năm và vẫn bị chia cắt giữa các vùng miền về địa lý và ngôn ngữ.
Ví dụ, nhờ có sự hiện diện của dãy Pyrenees, các bộ lạc khác nhau của
bán đảo Iberia bị ngăn không bành trướng về phía bắc để xâm nhập vào
Pháp, và dần dần, qua hàng ngàn năm, hợp nhất với nhau để hình thành Tây
Ban Nha và Bồ Đào Nha - và thậm chí Tây Ban Nha cũng chưa phải là một
quốc gia hoàn toàn thống nhất, với việc xứ Catalonia ngày càng cất cao
giọng đòi độc lập. Pháp cũng được hình thành bởi các rào cản tự nhiên, được
đóng khung giữa dãy Pyrenees, dãy Alps, sông Rhine và Đại Tây Dương.
Các dòng sông chính của châu Âu không hợp lưu (trừ phi tính cả sông
Sava, chảy vào sông Danube ở nhiều quốc gia trong một không gian tương
đối nhỏ. Bởi vì các con sông không kết nối, đến thời điểm nào đó hầu hết
chúng làm thành ranh giới tự nhiên, và mỗi con sông có phạm vi ảnh hưởng
kinh tế thực thụ; điều này làm mọc lên ít nhất một vùng phát triển đô thị lớn
trên bờ của mỗi con sông, vài đô thị trong số đó lần lượt trở thành thủ đô.
Con sông dài thứ hai châu Âu, sông Danube (1.780 dặm), là một ví dụ
điển hình. Nó khởi nguồn từ Rừng Đen của Đức và chảy về phía nam đến
biển Đen. Tổng cộng, lưu vực sông Danube ảnh hưởng đến mười tám quốc
gia và tạo thành đường biên giới tự nhiên dọc theo dòng chảy, bao gồm cả
biên giới giữa Slovakia và Hungary, giữa Croatia và Serbia, giữa Serbia và