Thế giới quá kinh ngạc trước sự trỗi dậy ngoạn mục của cường quốc
Trung Hoa đến mức người láng giềng của nó thường bỏ qua, nhưng Ấn Độ
vẫn có thể cạnh tranh với Trung Quốc với tư cách một động lực kinh tế ở thế
kỷ này. Đây là quốc gia lớn thứ bảy trên thế giới với dân số đứng hàng thứ
hai. Ấn Độ có chung biên giới với sáu quốc gia (là bảy nếu tính cả
Afghanistan). Nước này có chín ngàn dặm đường thủy nội địa, cung cấp
nước ngọt đáng tin cậy và diện tích đất canh tác rộng mênh mông, là một
nhà sản xuất than lớn và có trữ lượng dầu và khí đốt có thể khai thác được,
ngay cả khi Ấn Độ vẫn luôn là nước nhập khẩu cả ba thứ kể trên, và chính
sách trợ cấp nhiên liệu và chi phí sưởi ấm luôn làm tiêu hao nguồn tài chính
của nước này.
Bất chấp sở hữu sự giàu có tài nguyên thiên nhiên, Ấn Độ không sánh
kịp với sự tăng trưởng của Trung Quốc, và bởi vì Trung Quốc hiện đang
vươn ra thế giới, hai nước có thể va chạm với nhau - không phải dọc theo
biên giới đất liền của họ, mà là trên biển.
Trong hàng nghìn năm, những vùng đất mà hiện nay là Trung Quốc và
Ấn Độ có thể đã lờ nhau đi bởi địa hình tự nhiên của họ. Việc bành trướng
vào lãnh thổ của nhau xuyên qua dãy Himalaya là điều không thể, và ngoài
ra, mỗi nước đều đã có đủ đất đai canh tác.
Tuy nhiên, ngày nay, sự gia tăng của công nghệ đồng nghĩa với việc
mỗi nước đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ; địa lý đã không để lại cho
họ nguồn tài nguyên dồi dào như vậy, và do đó cả hai nước đều buộc phải
mở rộng chân trời của họ và mạo hiểm hướng ra đại dương, và chính tại đây,
họ đã đụng độ nhau.
Hai mươi năm năm trước, Ấn Độ bắt tay vào chính sách “Hướng
Đông”, một phần trong đó là kế hoạch phong tỏa cái mà họ gọi là sự trỗi dậy
sắp xảy ra của Trung Quốc. Nước này đã “đối phó với tình huống” bằng
cách gia tăng đáng kể thương mại với Trung Quốc (chủ yếu là nhập khẩu)