Tên gọi “Vương quốc Ẩn cư” được dành cho Triều Tiên vào thế kỷ 18
sau khi nước này cố gắng tự cô lập sau mấy thế kỷ là mục tiêu cho sự thống
trị, chiếm đóng và cướp phá, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là vì nằm trên tuyến
đường dẫn đến một nơi nào khác. Nếu đến từ phía Bắc, thì một khi bạn vượt
qua sông Áp Lục, có vài tuyến phòng thủ tự nhiên chủ chốt chạy một mạch
xuống đến tận bờ biển, và nếu bạn có thể đổ bộ vào bờ từ ngoài biển, nhận
định trên vẫn đúng nếu đảo ngược lại. Người Mông Cổ đến và đi, cũng như
nhà Minh của Trung Hoa, người Mãn Châu và Nhật Bản cũng từng mấy lần.
Vì vậy, trong một thời gian, đất nước Triều Tiên không muốn liên hệ với thế
giới bên ngoài, họ cắt đứt nhiều liên kết thương mại của mình với hy vọng
sẽ được yên thân.
Sách lược đó không thành công. Trong thế kỷ 20, người Nhật trở lại,
thôn tính toàn bộ bán đảo vào năm 1910, và sau đó bắt đầu phá hủy nền văn
hóa của nước này. Ngôn ngữ Triều Tiên bị cấm đoán, việc giảng dạy lịch sử
Triều Tiên cũng vậy, và việc thờ phụng tại các ngôi đền Thần đạo Nhật Bản
trở thành bắt buộc. Những thập niên đàn áp đã để lại một di sản mà thậm chí
ngày nay vẫn còn tác động đến quan hệ giữa Nhật Bản và cả hai nhà nước
Triều Tiên.
Nước Nhật bại trận vào năm 1945 để lại một Triều Tiên bị chia cắt tại
vĩ tuyến 38. Miền Bắc là một chế độ cộng sản ban đầu chịu sự giám sát của
Liên Xô và sau đó của Trung Quốc cộng sản, miền Nam là một chế độ độc
tài thân Hoa Kỳ được gọi là Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc). Đây là khởi
đầu của thời kỳ chiến tranh Lạnh khi mỗi tấc đất đều bị tranh chấp, cùng với
việc mỗi phe tìm cách thiết lập ảnh hưởng hoặc sự kiểm soát khắp nơi trên
thế giới, không muốn để phe kia duy trì một sự hiện diện độc nhất.
Lựa chọn vĩ tuyến 38 làm đường phân chia là điều không may theo
nhiều cách và, theo nhà sử học người Mỹ Don Oberdorfer, là lựa chọn tùy
tiện. Ông nói rằng Washington đã quá tập trung vào sự đầu hàng của Nhật
Bản ngày 10 tháng Tám năm 1945 nên không có chiến lược thực sự cho